- Gần đây xảy ra tình trạng nhiều kẻ mạo danh nhà sư đi khất thực để trục lợi cá nhân, gây hiểu nhầm và mất lòng tin đối với người dân. Cơ quan chức năng đã bắt được một số vụ sư giả, đầu trọc mặc áo cà sa đi “khất thực”. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin rất nhiều về các vụ việc. Tuy nhiên, nhiều người dân, phật tử vẫn chưa thể nhận diện được đâu là sư thật và đâu là sư giả.

Đối tượng giả sư đi xin tiền bị bắt. 

Chúng tôi đã liên hệ với thầy Thích Chí Giác Thông thư ký Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM để tìm hiểu các quy định việc khất thực giúp người dân dễ nhận diện đâu là sư giả.

Theo thầy Thích Chí Giác Thông, thời gian gần đây, báo chí, truyền thông đã thông tin nhiều về tình trạng sư giả tràn lan gây mất niềm tin trong nhân dân. Nhằm chấn chỉnh lại tình trạng này, Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định: “Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của đạo Phật…

Các hệ phái Phật giáo nguyên thủy và Khất sĩ từ lâu cũng đã tạm đình chỉ việc khất thực của quý sư nhằm ngăn chặn tệ nạn sư giả lợi dụng khất thực để trục lợi. Như vậy, về nguyên tắc, hiện tất cả chư vị tăng ni đều không đi khất thực, nên các vị sư đi khất thực ngoài khuôn viên chùa viện đều là sư giả, hoặc nếu không phải sư giả thì vị ấy phạm lỗi bất tuân giáo hội.

Hiện tại chỉ cho phép phái Khất sĩ được khất thực trong những dịp lễ lớn. Cách để nhận biết người giả tu hành để đi khất thực không hề khó. Khi khất thực phái Khất sĩ thường đi một đoàn từ 5 người trở lên và đứng gần chùa. Những Khất sĩ đi đứng khoan thai đầu trần, chân đất cầm bình bát mắt nhìn xuống không nhìn hai bên và không quan tâm tới người xung quanh cúng gì và chỉ nhận thực phẩm chứ không nhận tiền".

Đức Toàn