- Sau khi Báo VietNamNet có loạt bài phản ánh về bi kịch của nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội – Công ty IDC, UBND TP.Hà Nội đã vào cuộc. Tuy nhiên, cách giải quyết sau 26 năm chờ đợi một lần nữa lại khiến đơn vị này ngỡ ngàng.

Các cơ quan chức năng vào cuộc

Để giải quyết sự bức thiết tồn đọng quá lâu của Dự án, ông Vũ Hồng Khanh, PCT thường trực UBND TP Hà nội đã chủ trì cuộc họp với Công ty IDC cùng các sở ban ngành ngày 31/12/2015 và thông qua Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì cùng các sở ban ngành phối kết hợp với IDC thực hiện việc chỉnh trang đô thị của Dự án Hồ An dương.


{keywords}
Giám đốc Lê Quốc Khánh

Sở Tài chính có nhiệm vụ chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan và UBND quận Ba Đình kiểm tra, xem xét đề nghị của Công ty IDC về việc hoàn trả kinh phí san lấp Hồ An Dương.

Ngày 20/1/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh đã có kết luận tại thông báo số 148/TB-BTCDTW: Dự án đã thực hiện đúng theo trình tự pháp luật; Lý do Dự án bị kéo dài là do quá trình điều chỉnh luật, và các chính sách thay đổi...

Để khắc phục hậu quả làm tổn thất đến Doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ giao cho UBND TP.Hà nội chỉ đạo Công ty IDC tiếp tục triển khai Dự án theo quy hoạch chỉnh trang phù hợp và báo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch… trong quý 2 năm 2016.

Ngày 28/3/2016, Văn phòng chủ tịch nước đã có công văn số 399/VPCTN-PL-m gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà nội chỉ đạo về việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại của Dự án, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp.

{keywords}
Dự án đã không được thực hiện

Ngỡ như mọi nỗ lực kiên trì, nhẫn nhịn và chờ đợi sau gần 3 thập kỷ cuối cùng cũng có kết quả, thế nhưng, hướng xử lý của Hà Nội đưa ra khiến Công ty IDC hết sức bất ngờ.

Ngày 14/4/2016, Sở Tài chính Hà Nội chủ trì cuộc họp với Công ty IDC và các Sở ban ngành về việc thống nhất việc hoàn trả kinh phí đầu tư hạng mục san lấp Hồ An Dương. Theo cơ chế quy định, Sở Tài chính và các cơ quan ban ngành thông qua chủ trương hoàn trả kinh phí là 725.037.505 VNĐ và với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, số tiền trên là kinh phí mà Cty IDC bỏ ra để san lấp hồ An Dương cách đây 26 năm. Năm 1990, đó là một con số khổng lồ. Nhưng sau gần 30 năm, số tiền đó không đủ để người ta mua một suất đất tái định cư ở vùng ven Hà Nội.

Giám đốc Công ty IDC, ông Lê Quốc Khánh lại một lần nữa rơi vào phá sản, nhưng đó là vụ “phá sản tinh thần”.

Chính bản thân ông Khánh sau rất nhiều đêm thức trắng, ông tự tay soạn thảo lá đơn gần chục trang giấy gửi các cấp để đề nghị một cơ chế đặc thù.

Lần đề nghị cuối cùng!

“Dự án Hồ An Dương là một dự án đầu tiên do tư nhân thực hiện, nằm trong bối cảnh chịu nhiều biến động của cơ chế, kinh tế khó khăn, kéo dài đến nay là 26 năm. Kinh phí thực hiện hạng mục san lấp và xây dựng khu đô thị tại Hồ An Dương có mức chi phí thực tế lên đến 4 tỉ đồng tính tại thời điểm năm 1998 và các chi phí hệ lụy từ việc tổn thất của dự án đến thời điểm này lên đến 200 tỉ đồng. Với mức đền bù theo cơ chế thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính thì không thỏa đáng cho những thiệt hại mà Công ty và 77 cổ đông phải trải qua” – ông Khánh viết.

{keywords}
Một phần đất dự án

Song song với việc phân tích này, đại diện công ty IDC đề xuất Hà Nội nên xem xét cho Công ty IDC một cơ chế đặc thù.

Cụ thể: Dự án Hồ An Dương nằm trên địa bàn Hà nội, gần hồ Tây và giáp sông Hồng, cách trung tâm chính trị quốc gia 2km. Từ khi bắt đầu góp vốn, đến thời điểm này, nguyện vọng của Công ty IDC và 77 cổ đông là được cấp đất theo dự án san lấp 8400 m2.

Nếu Dự án được thực hiện thì các cổ đông đã có nhà ở trị giá hiện nay là 3 tỉ/căn. Để bù đắp vốn đầu tư và thiệt hại của Công ty cũng như các cổ đông, Công ty IDC đề xuất mức đền bù gồm 02 khoản: Phần gốc đầu tư: 77 mảnh đất cho 77 suất đầu tư với diện tích 60m2/suất trên địa bàn Hà nội.

Thứ hai, tiền đền bù theo thời gian: Lãi tính trên khoản đầu tư hạng mục san lấp được duyệt là 1.113.310.505 VNĐ, theo lãi suất bình quân (lãi gộp) của NHNN công bố của từng năm, thời gian từ ngày bắt đầu đầu tư đến nay, theo tính toán của Công ty IDC đến thời điểm hiện tại là hơn 16,341 tỷ đồng – một con số khác xa so với số tiền hơn 700 triệu theo tính toán của Sở Tài chính Hà nội.

“Trải qua rất nhiều năm và nhiều lớp lãnh đạo, cán bộ chuyên trách đi cùng với Dự án mà chưa được giải quyết dứt điểm… Công ty IDC rất mong đây là lần quan tâm triệt để, cuối cùng để Công ty có thể thực hiện tâm nguyện của mình, bù đắp những tổn thất cho các cổ đông và những người liên quan” – giám đốc Công ty IDC – ông Lê Quốc Khánh ngậm ngùi.

Thái Bình