-Đầu tháng 7/2018 Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư, email của Bạn đọc

1. Bạn đọc Hoàng Thị Sinh ở xóm 9 Phúc Sơn, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gửi “đơn cầu cứu khẩn cấp” đề ngày 5/7/2018. Nội dung: BĐ Hoàng Thị Sinh làm thuê cho CTCP Tập đoàn Hoành Sơn tại dự án nước sạch xã Kỳ Thượng. Ngày 10/5/2018 trong lúc làm việc, bị máy đào của CT Hoành Sơn cán nát chân trái, phải cấp cứu tại BV Chấn thương, chỉnh hình Nghệ An và bị cắt hoàn toàn chân trái. Gia đình BĐ Hoàng Thị Sinh đã có đơn đề nghị CT Hoành Sơn giải quyết bồi thường, nhưng không được hồi âm. Gia đình BĐ Hoàng Thị Sinh hiện hết sức khó khăn. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh, nơi BĐ Hoàng Thị Sinh đồng gửi đơn này xem xét.

2. Bạn đọc Phạm Quân là Tổng Giám đốc CT TNHH Tiền Phong, địa chỉ nhà C1, tổ 54A, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội gửi “đơn trình báo và đề nghị can thiệp khẩn cấp”. Nội dung: Cuối năm 2017, CT Tiền Phong (bên bán) ký hợp đồng cung cấp, lắp đặt, bàn giao hệ thống tường màn hình cho CT TNHH TM và XNK TVA (bên mua, địa chỉ số 52, ngách 71/69, phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN- Chi nhánh Tây HN đã phát hành 2 thư bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng vào tài khoản của Tiền Phong. Cho đến 28/6/2018, CT Tiền Phong vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ ngân hàng trên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và các giao dịch của Tiền Phong. Đề nghị các cơ quan chức năng nơi BĐ Phạm Quân đồng gửi đơn này xem xét.

3. Bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ Loan trú tại tập thể dân phố B4, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội là cổ đông của Công ty Hanel, gửi “đơn kiến nghị” đề ngày 28/6/2018. Nội dung: Đã 2 năm sau ngày cổ phần hóa, Công ty Hanel không công bố báo cáo quản trị, báo cáo thường niên; chưa niêm yết hay lên sàn upcom. Mặc dù sở hữu quỹ đất lớn nhất Hà Nội (khách sạn 5 sao, hơn 1 triệu m2 đất ở Chùa Bộc, Phạm Hùng, Đại La, Hoàng Mai, Sài Đồng, Phúc Đồng, Gia Lâm, Cổ Bi…) và được rất nhiều ưu đãi của thành phố, CT vẫn thông báo chưa có lãi, không chia cổ tức. Nhà đầu tư chiến lược mới chỉ nộp tiền đặt cọc chứ chưa nộp tiền mua cổ phần mà lại có quyền “đồng ý thì mới lên sàn”. Tình trạng kém minh bạch của CT Hanel khiến các cổ đông rất bất bình. Đề nghị Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân TP Hà Nội nơi BĐ đồng gửi đơn này xem xét. 

{keywords}
Một trong những tài sản hấp dẫn nhất của Hanel là việc sở hữu 30% cổ phần tại tổ hợp khách sạn 5 sao nổi tiếng Deawoo. Ảnh Báo VNEXPRESS 

4. Bạn đọc Thien Duc là “người dân đang sinh sống và hoạt động tại Cảng cá Cát Bà – Hải Phòng” gửi email ngày 30/6/2018 trình bày: Cảng cá Cát Bà là nơi gắn liền với lịch sử nghề cá của đất nước, là cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Châu Á. Thẩm quyền đóng cảng phải là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vậy mà Thủ tướng chưa có ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cảnh báo; nhưng UBND thành phố Hải Phòng vẫn thông báo thu hồi đất giao cho doanh nghiệp; các tàu cá cập cảng làm dịch vụ hậu cần và các cơ sở sản xuất đang hoạt động trong khu vực cảng bị các cơ quan chức năng gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của người dân đang sinh sống tại đây. BĐ Thien Duc nêu câu hỏi: Tại sao các ban ngành thành phố Hải Phòng không nghiên cứu phương án kết hợp du lịch với sinh thái, du lịch cộng đồng như các nước trên thế giới vẫn đang làm? Nội dung này BĐ Thien Duc đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét.

5. Bạn đọc Dương Ngọc Hồng, ở thôn Mỹ Tân, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gửi email đơn ngày 5/7/2018 “kêu cứu khẩn cấp” về việc: BĐ Ngọc Hồng được UBND xã Kỳ Sơn cho đất làm nhà ở vào năm 1984, nhiều lần làm đơn xin cấp giấy CNQSD đất, được cán bộ chức năng thôn xã đo, vẽ; Chủ tịch xã, thôn trưởng, cán bộ địa chính đều xác nhận, nhưng đến năm 2016 vẫn chưa biết “Bìa đỏ” là thế nào? BĐ khiếu nại thì Phòng TN&MT; Thanh tra huyện Kỳ Anh trả lời đã cấp giấy CNQSD đất vào năm 1996, nhưng cán bộ địa chính mới của xã “đổ” cho BĐ làm mất! Giữa năm 2017, BĐ Ngọc Hồng ký hợp đồng với Công ty luật hợp danh Thelight làm giấy CNQSD đất với tổng chi phí mấy chục triệu đồng, sau một năm luật sư mới giao giấy CNQSD đất, nhưng những thông tin ghi trên đó “thiếu sót rất nhiều”! Xin chuyển ý kiến của BĐ Dương Ngọc Hồng đến cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh xem xét.

6. Bạn đọc là Thạc sĩ luật Phạm Văn Chung ở Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum gửi email ngày 4/7 nêu ý kiến: Việc 1 ông Tổng Giám đốc thừa nhận tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội là “cơ quan có đến 40% không làm được việc” được dư luận cho là “dũng cảm” nhìn thẳng vào sự thật; nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Tại không buộc thôi việc những người làm việc làng nhàng, đi ra đi vào? BĐ dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức: Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự việc đánh giá công chức cũng được quy định rất cụ thể tại Khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức: Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Do đó, BĐ đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát, loại bỏ những người không làm được việc ra khỏi bộ máy nhà nước, cho dù họ là con cháu của ai!

{keywords}
Ảnh chỉ có tính chất minh họa 

7. Bạn đọc Trần Văn Đát, tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội gửi “đơn bổ sung tài liệu” đề ngày 29/6/2018, liên quan đến việc UBND quận Hà Đông quyết định thu hồi đất làm đường Lê Trọng Tấn kéo dài và xây dựng khu đô thị mới Lê Trọng Tấn GELEXIMCO. Đơn này, BĐ Trần Văn Đát đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét.

8. Bạn đọc Phạm Mạnh Hà gửi email ngày 30/6/2018 phân tích một khía cạnh của tham nhũng liên quan đến một thói quen ứng xử của người dân khi tiếp xúc với cán bộ nhà nước: Hễ gặp khó khăn, bất kể mình đúng hay sai trong giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, rất nhiều người lại chủ động ‘hối lộ phong bì’ cho cán bộ để được lọt cửa kiểm soát, hay được ưu tiên giải quyết nhanh hơn. Hàng ngày, vi phạm Luật giao thông người dân thường năn nỉ ‘hối lộ’ để được cưa đôi mức phạt. Ngay cả khi khám, chữa bệnh là một việc rất chính đáng thì nhiều người cũng lại ‘hối lộ’ y, bác sĩ để cảm thấy yên tâm hơn… Hầu hết mọi người đều đã quen với nếp ứng xử này, dẫn đến hình thành ‘văn hóa tham nhũng’, góp phần đẩy cán bộ sa ngã! Và như vậy việc chống tham nhũng, khi phải chống lại một nếp văn hóa (xấu) thì khó hơn nhiều khi chỉ chống lại một hiện tượng, hành vi xấu. Chống ‘văn hóa tham nhũng’ phải đồng thời từ cả 2 phía là người dân và cán bộ nhà nước. Việc này cũng tương tự như việc quét dọn rác giữ gìn vệ sinh, một bên tăng cường quét dọn rác, bên kia không được xả rác bừa bãi ra khắp nơi thì mới sạch sẽ được!

9. Bạn đọc là TS Vu-Han Viet gửi email ngày 9/7/2018 nêu thực tế: Nước ta có hơn 44 triệu xe máy, dưới 4 triệu xe ôtô. Ra khỏi các thành phố thì đường dành cho xe ôtô rộng gấp mấy lần đường dành cho xe máy (phân chia bằng vạch trắng liên tục) là không phù hợp và không đạt hiệu quả giao thông cao. Đường xe máy thường xuyên bị cản trở, bởi xe ôtô đậu, những người bán hàng, những xe đi ngược chiều, những xe từ đường nhỏ cắt ngang chạy ra, bị cát lấn chiếm… Vì thế, đường xe máy dự trù cho hai xe đi, chỉ còn một xe đi được. Muốn qua mặt một xe đi chậm là bắt buộc phải băng qua vạch trắng liên tục và bị CSGT phạt (oan), phần lớn ấm ức “trả tiền phạt tại chỗ không biên lai”. BĐ Vu-Han Viet đề nghị các Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cho người dân lái xe máy không “bắt buộc” phải sai phạm, gồm: Không cho xe đậu chiếm đường xe máy; không cho các quán dọc đường chiếm đường xe máy; làm sạch cát phủ đường xe máy; cấm xe máy chạy ngược chiều, đưa đến tình trạng người đi đúng đường phải tránh né và vi phạm luật giao thông.

10. Bạn đọc Vũ Thị Minh Thủy (con ông Vũ Văn Cận và bà Nguyễn Thị Thảo đều đã chết; em gái Liệt sỹ Vũ Văn Phúc hy sinh năm 1967 ở chiến trường B) thường trú tại số 9 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều lần gửi đơn, mới nhất đề ngày 4/7/2018 tiếp tục khiếu nại Văn bản số 848/TB-UBND ngày 24/7/2017 của UBND TP Hà Nội thông báo cho BĐ Minh Thủy về việc không thụ lý giải quyết tố cáo do “nội dung tố cáo trên không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết”. Xin nhắc lại đơn nhiều lần kêu cứu của BĐ Minh Thủy có nội dung: Trước năm 1955 ông Cận thuê toàn bộ tầng 1 là 60 m2 mặt phố căn nhà này. Năm 1960 ông Cận lập HTX May Thủ đô và làm Chủ nhiệm. HTX mượn diện tích mặt đường để kinh doanh trong giờ hành chính. Ông Cận trả tiền thuê nhà cho Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm với tư cách cá nhân cho đến năm 1975 mất do đột quỵ; HTX May Thủ đô vẫn tiếp tục mượn cửa hàng của bà Thảo giờ hành chính. Năm 1985 ông Lê Ngọc Lân làm Chủ nhiệm “đã dùng mọi thủ đoạn để có Hợp đồng khống số 20/55/HĐN ngày 20/8/1985 không đúng sự thật, không đúng quy định của pháp luật, đuổi mẹ tôi ra vỉa hè kiếm sống”. Bà Thảo đã tố cáo với cơ quan chức năng và năm 2007 ủy quyền cho BĐ Minh Thủy tiếp tục kêu cứu, nhưng không được giải quyết.

11. Bạn đọc Phú Điền “có 32 năm dạy lịch sử ở trường THCS”, gửi email ngày 10/8/2018 bày tỏ bức xúc trước thực trạng học sinh không thích học môn Lịch sử, dẫn đến gần 81% thí sinh TP Hồ Chí Minh thi THPT Quốc gia chỉ đạt dưới 5 điểm. Sau khi phân tích 3 nguyên nhân: Về mặt xã hội, về quy luật lịch sử, về trách nhiệm của giáo viên, BĐ Phú Điền đề xuất: Lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, vậy dạy làm sao học sinh thích thú nghe câu chuyện, từ đó lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét bắt học thuộc lòng. Dạy lịch sử là truyền cho các em cái tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với Tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch…BĐ Phú Điền “tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy để cho chúng tôi tự do sáng tạo kể lại câu chuyện lịch sử, tất nhiên đó là sự thật, vì lịch sử vẫn là lịch sử, hơn nữa bản thân lịch sử là một khoa học, mới hy vọng học sinh hứng thú không thờ ơ với môn học này”!

12. Cũng đóng góp ý kiến về dạy-học môn Lịch sử, bạn đọc Hoài Nam gửi email ngày 12/8/2018, nêu: “Năm 2013, tôi đi công tác và có đến thăm Cung điện Mùa đông, một di tích lịch sử và là địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Tôi quan sát thấy có nhiều nhóm học sinh khoảng 12-13 tuổi, mỗi nhóm có 1 người tầm trên 20 tuổi và 1 người trên 60 tuổi đi cùng. Cô trẻ tuổi đi cùng các em cho biết: đây là 1 chương trình học lịch sử, các em được đưa đến tận Cung điện để nghe về lịch sử các triều đại đã đóng đô ở cung điện này; các cô trẻ tuổi ở đây có thể là cô giáo, cũng có thể là sinh viên đang học ở các trường đại học đi cùng các nhóm để quản lý, trông coi các em. Còn những người cao tuổi là những giáo viên lịch sử, những chuyên gia lịch sử đã nghỉ hưu, sẽ giới thiệu (giảng dạy) cho các em về nội dung ngày hôm đó và không nhận bất kỳ đồng thù lao nào. Tôi thấy các em rất hào hứng tham gia hoạt động này. Cách dạy như vậy tạo hứng thú cho học sinh về môn lịch sử; chúng ta có thể tham khảo và học tập”.

13. Các bạn đọc Vũ Thái Hòa (Giám đốc), Phạm Khắc Thiện (Chủ tịch Công đoàn) và một số công nhân đại diện các phân xưởng của Nhà máy sản xuất tấm lợp VINAHANOI (CTCP Bạch Đằng – Nam Định) đồng ký tên trong “văn bản kiến nghị” số 35/VB-KN ngày 20/6/2018 về đề án “Lộ trình sử dụng Amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiăng-xi măng từ năm 2023” của Bộ Xây dựng. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nơi các BĐ đồng gửi văn bản này xem xét.

14. Bạn đọc Nguyễn Phú Huyễn ở số 316C, ấp 3, xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre gửi email đơn ngày 11/7/2018 “đề nghị giúp đỡ”. Nội dung: CTCP dược phẩm Hoa Việt (địa chỉ số 124 đường Trường Chinh, phường Minh Khai, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) chưa chi trả lương tháng 5 cho BĐ Huyễn. Trước đó, đầu tháng 4 BĐ Huyễn được CT Hoa Việt tuyển dụng vào vị trí Quản lý vùng miền Tây, thời gian thử việc 2 tháng; đến cuối tháng 5 thì xin nghỉ để lo việc gia đình. Xin chuyển ý kiến của BĐ Nguyễn Phú Huyễn đến cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam và CTCP dược phẩm Hoa Việt xem xét, bảo vệ quyền lợi cho người lao động sau khi nghỉ việc.

15. Các bạn đọc Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Thị Lễ, Nguyễn Văn đại diện 8 anh chị em ruột, đồng chủ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 47 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều lần gửi đơn tố cáo công trình xây dựng tại 31 Hàng Khoai, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các chủ sở hữu liền kề là gia đình các Bạn đọc trên. Đơn mới nhất đề ngày 10/7/2018 có nội dung: Không nhất trí kết quả “phiên tòa sơ thẩm ngày 26/6/2018 do TAND TP Hà Nội xét xử vụ án hành chính…để nhà 31 Hàng Khoai thắng kiện Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm kháng cáo lên TAND Cấp cao tại HN, có ý kiến để các chủ sở hữu nhà số 47 Hàng Lược được tham gia tố tụng vì là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; đồng thời có biện pháp thực hiện việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của nhà 31 Hàng Khoai theo quy định của pháp luật”. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền TW và Hà Nội nơi các BĐ đồng gửi đơn này xem xét.

{keywords}

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp công dân

(Ảnh minh họa- Báo Hà Nội mới)

16. Một bạn đọc ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội gửi thư (ngày 11/7/2018 theo dấu Bưu điện) phản ánh cụ thể “8 việc làm sai trái” diễn ra tại Trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội và quận Nam Từ Liêm nơi BĐ đồng gửi đơn này xem xét.

17. Công ty Cổ phần quốc tế Trường Hải (địa chỉ 31 Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có Công văn số 39/2018/CV ngày 29/6/2018 phúc đáp Công văn số 283/CV-VNN ngày 26/6/2018 của Báo VietNamNet đề nghị xem xét “đơn cầu cứu” của bạn đọc Phan Bá Hòa ở xóm 5, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An về việc cháu Phạm Bá Thắng đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan bị tai nạn, tử vong. Công văn cho biết: Công ty đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm, kể cả đối với trường hợp lao động Phan Bá Thắng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…sẽ vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Việt Nam và Đài Loan tư vấn, hỗ trợ gia đình lao động Phan Bá Thắng các thủ tục cần thiết để giải quyết toàn bộ quyền lợi hợp pháp (nếu có) cho người lao động Phan Bá Thắng và gia đình.

18. Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 2846/SYT-TTr ngày 5/7/2018 phúc đáp Công văn Số 180 /CV-VNN ngày 11 tháng 05 năm 2018 đề nghị xem xét đơn của BĐ Vũ Đình Lân “không đồng ý nội dung trả lời của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn” liên quan đến cái chết của cha đẻ là bệnh nhân Vũ Đình Lăng, tử vong ngày 2/1/2018. CV cho biết: Sở Y tế HN đã thành lập Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa, ngoại khoa tiêu hóa, gây mê hồi sức, luật…xem xét, đánh giá quá trình khám, chữa bệnh của ông Vũ Đình Lăng tại BV Xanh Pôn và đã trả lời ông Vũ Đình Lân.

Ban Bạn đọc