- Cuối tháng 2/2018, cũng là những ngày đầu xuân Mậu Tuất, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC

1. Bạn đọc Đồng Phú (Đồng Tháp) gửi email thông tin: Trong dịp Tết Mậu Tuất có hơn 53.000 lượt khách đến vui xuân, tham quan Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, tổ chức nhiều hoạt động gồm: Trưng bày triển lãm chuyên đề về Lịch sử; triển lãm ảnh nghệ thuật “Thiên nhiên đất nước con người Đồng Tháp”; trưng bày sách về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xếp sách nghệ thuật “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Búp Sen Hồng”; tái hiện không gian văn hóa chợ quê ngày Tết; các cụm tiểu cảnh hoa xuân, gói bánh ngày tết… sưu tập đá chủ quyền biển đảo “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”; biểu diễn thể dục dưỡng sinh, võ thuật truyền thống; trưng bày chim cảnh nghệ thuật; sinh hoạt Đờn ca tài tử…Du khách còn tận mắt chiêm ngưỡng 2 cây di sản Việt Nam là cây sộp 329 năm tuổi và cây khế 290 năm tuổi; 2 gốc cây dầu có tuổi thọ trên 100 năm, chế tác thành 2 tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam. 

{keywords}
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh do BĐ cung cấp)

2. Bạn đọc Thu Anh, sinh sống và làm việc tại Đức gửi email ngày 18/2/2018 thông tin về không khí rộn ràng đón Tết Mậu Tuất của người Việt tại Đức. Theo đó, chương trình biểu diễn Xuân Mậu Tuất có sự đóng góp của người Việt sinh sống và làm việc tại khu vực Tây Sachsen (Westsachsen). Người Việt sang Đức lao động những năm 1987 và đã trải qua hơn 30 mùa xuân trên quê hương thứ hai. Vui Tết đón xuân là dịp để thế hệ thứ 2 gặp gỡ nói tiếng Việt, diện những bộ trang phục truyền thống, cất lên những câu hò, làn điệu chèo, điệu múa truyền thống, lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc. Người Việt tại Đức là cộng đồng lớn thứ 3 trong số các nhóm sắc tộc đến từ Châu Á, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước này. Học sinh người Việt được đánh giá thuộc nhóm học sinh có gốc nước ngoài có kết quả học tập xuất sắc nhất tại Đức. 

{keywords}

Người Việt tại Đức vui Tết đón xuân lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc

(Ảnh do BĐ cung cấp)

3. Bạn đọc Minh Đức ở 211 Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum gửi email ngày 27/2/2018 cảnh báo về tình trạng bói toán dịp đầu xuân. Không ít người nhẹ dạ vẫn “tin vào lời bói toán”, dẫn đến các hệ lụy đáng tiếc như phải hoãn đám cưới vì năm mới chưa hợp tuổi; chưa kinh doanh, mua sắm vì chưa được ngày... Nghiêm trọng hơn nhiều đôi lứa sắp lấy nhau nhưng vì tin lời bói toán mà phải bỏ nhau; xây dựng nhà cửa cũng hỏi thầy bói chứ nhất quyết không nghe kỹ sư xây dựng; thậm chí đập phá nhà cửa chỉ vì thầy phán không hợp phong thủy, tuổi tác...BĐ Minh Đức đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, không cho tồn tại bói toán, nhất là tại các địa điểm thờ cúng, lễ hội; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, xóa bỏ tình trạng mê tín dị đoan của một bộ phận người dân hiện nay.

4. Bạn đọc Mai Phạm Cao Thắng- Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri gửi email ngày 25/2/2018 thông tin: Đại sứ Việt Nam Phạm Quốc Trụ phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Liên đoàn Sơn Long Quyền Thuật của An-giê-ri nhấn mạnh: Sơn Long Quyền Thuật cùng với các môn phái võ cổ truyền khác của Việt Nam là một nét đặc trưng của nền văn hóa lâu đời, thể hiện truyền thống thượng võ và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Các liên đoàn võ cổ tuyền Việt Nam tại An-giê-ri (Sơn Long Quyền Thuật, Vovinam Vietvodao, Quanti Do) đã tích cực đào tạo và phát triển các môn phái này, đóng góp vào sự tăng cường hiểu biết và quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước, được Chính phủ An-giê-ri tạo điều kiện phát triển. Du nhập vào nước này từ năm 1973, Sơn Long Quyền Thuật cùng với Vovinam Việt Võ Đạo, được người dân hâm mộ; hiện có hơn 200 câu lạc bộ trên gần 30 tỉnh của An-giê-ri với khoảng 12.000 môn sinh theo học. 

{keywords}

Sơn Long Quyền Thuật của VN có khoảng 12.000 môn sinh An-giê-ri theo học 

(Ảnh do BĐ cung cấp)

5. Bạn đọc là luật sư Phạm Văn Cương – Công ty Luật TNHH Một thành viên T.H thuộc Đoàn Luật sự TP Hà Nội, được gia đình bà Nguyễn Thị Thìn ủy quyền, nhiều lần gửi Văn bản tới Báo VietNamNet. Nội dung: BĐ “kiến nghị quý Báo hãy vì công lý, vì kỷ cương phép nước…làm sáng tỏ vụ việc” 3 căn nhà số 28-30-32 đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh mà chính quyền cho là nhà của người Pháp, đưa vào diện vắng chủ và xác lập sở hữu nhà nước. BĐ- LS Văn Cương viết “suốt gần 20 năm đi đòi lại nhà, gia đình bà Thìn đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát, bị đẩy đến tận cùng nỗi đau mất người, mất nhà; 15 con người sống nheo nhóc trong một ngóc ngách của quận Gò Vấp”. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền TW và TP Hồ Chí Minh nơi BĐ- LS Phạm Văn Cương đồng gửi Văn bản này “sớm xem xét bồi thường cho gia đình bà Thìn để bù đắp phần nào nỗi đau”.

6. Bạn đọc cao niên Lê Thị Thinh ở số 140 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội nhiều lần gửi “đơn khởi kiện”, mới nhất đề ngày 4/2/2018 đối với 1 số cán bộ UBND phường Đội Cấn “hợp thức hóa các sai phạm của nhà số 140A mặt phố Đội Cấn –gây ô nhiễm về môi trường, về tiếng ồn; nguy hiểm về điện, về cháy nổ, mất an toàn do xây dựng cơi nới ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào”. Đề nghị các cơ quan chức năng của quận Ba Đình, TP. Hà Nội nơi Bạn đọc cao niên Nguyễn Thị Thinh đồng gửi đơn này xem xét.

7. Bạn đọc Vũ Thị Minh Thủy (con ông Vũ Văn Cận và bà Nguyễn Thị Thảo đều đã chết; em gái Liệt sỹ Vũ Văn Phúc hy sinh năm 1967 ở chiến trường B) thường trú tại số 9 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều lần gửi đơn “khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp”, mới nhất đề ngày 3/2/2018. Nội dung: BĐ Minh Thủy tiếp tục khiếu nại Văn bản số 848/TB-UBND ngày 24/7/2017 Ủy ban nhân dân TP Hà Nội thông báo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo do “nội dung tố cáo trên không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết”. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của TW và Hà Nội nơi BĐ Minh Thủy đồng gửi đơn này xem xét.

8. Bạn đọc Đặng Minh Hiếu cư dân P8. 33 (số 1, đường 2B) KDC 6B-Intresco, Phạm Hùng, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh gửi đơn đề ngày 24/2/2018 phản ánh tình trạng “kéo dài giải quyết đơn thư về CSHT- ANTT” tại đây gần 10 năm qua! BĐ Minh Hiếu kiến nghị giải quyết triệt để 3 nội dung: 1/ Hoàn thành việc đầu tư toàn bộ các hạng mục CSHT như cam kết và luật định. 2/ Giải quyết việc gây mất ANTT từ các tổ chức và cá nhân có liên quan. 3/ Làm rõ và xử lý các tổ chức hay cá nhân liên quan đã tham gia phá hoại vườn cây-rau-trái nhà P8.33. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền TP. HCM nơi BĐ Minh Hiếu đồng gửi đơn này xem xét.

9. Bạn đọc An Nguyên là người dân sống tại khu 5, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ gửi email ngày 23/2/2018 phản ánh: “Hiện nay nạn đào bới san múc các ngọn đồi để khai thác quặng sắt và cao lanh gây những hệ lụy không nhỏ về môi trường. Đường xá thì ô tô chạy nát, bụi mù. Mùa mưa đất đá tràn xuống ruộng nương của chúng tôi. Vừa đây xã lại thông báo thu hồi nốt phần đất nương khi xưa chúng tôi khai hoang để trồng sắn, trồng cây keo với lý do giao cho Công ty đầu tư nuôi dê. Chúng tôi biết là họ chỉ hợp thức hóa với dự án là nuôi dê, xong sẽ khai thác khoáng sản! Người dân chúng tối lấy gì để canh tác, mưu sinh? Khi thắc mắc thì họ nói chúng tôi chỉ được đền bù 2 phần, còn 8 phần là của xã! Những người ý kiến nhiều họ mời về không cho họp. Rất mong các cơ quan báo đài về tìm hiểu sự thật cứu giúp cho dân”. Xin chuyển ý kiến của BĐ An Nguyên đến cơ quan chức năng huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đề nghị xem xét.

Ban Bạn đọc