- Trên đường đưa con đi nhà trẻ, tôi không may gặp tai nạn giao thông do xe chở vật liệu xây dựng đâm phải. Công an kết luận lỗi hoàn toàn do tài xế xe tải bị mất lái và lấn sang đường ngược chiều nên đâm phải xe của mẹ con tôi và một người nữa.

Con tôi 3 tuổi bị thủng đại tràng, phải làm phẫu thuật cấp cứu và đưa đại tràng ra ngoài làm hậu môn tạm, chờ 2 tháng sau phẫu thuật lại để đóng hậu môn. Nhưng từ khi xảy ra tai nạn đến nay, tài xế bỏ trốn không đưa con tôi đi bệnh viện, chỉ có chủ xe xuống bệnh viện thăm hỏi và đề cập thỏa thuận bồi thường. Tôi đưa ra mức bồi thường bao gồm viện phí 20 triệu và tổn thất tinh thần 39 triệu thì chủ xe im lặng, dù tôi đã nhiều lần liên lạc.

Xin hỏi tôi có thể kiện chủ xe ra tòa để đòi bồi thường có được không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Về căn cứ phát sinh thiệt hại:

Căn cứ theo thông tin bạn nêu thì lỗi hoàn toàn do tài xế xe tải bị mất lái và lấn sang đường ngược chiều gây ra tai nạn. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra  do pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Về nội dung bồi thường:

Bộ luật Dân sự 2015, Điều 590. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền để giải quyết vụ việc của con bạn thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chủ xe có trụ sở chính nếu hai bên không có thỏa thuận khác.

Bạn nộp đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ chứng minh.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc