- Năm 2012 tôi có con ngoài giá thú với một người đàn ông đã có vợ. Anh đã làm thủ tục nhận con, cho cháu mang họ bố. Vì chúng tôi ở xa nhau (tôi ở Yên Bái còn anh ở Thanh Hóa) nên từ sau khi tôi sinh con, anh cũng ít đi lại.

Khoảng 2 – 3 tháng anh ra thăm con một lần nhưng không mang được cho con thứ gì, thậm chí khi ra về, bố mẹ tôi còn phải cho anh tiền đi lại. Cũng vì mong cho con có tình cảm của cha nên tôi mới đồng ý cho nhận con, và bố mẹ tôi mới thông cảm với anh. 

Đến khi con tôi được hơn một tuổi, mẹ anh gọi điện cho tôi nói không công nhận cháu, cháu chưa chắc đã phải con đẻ của anh, yêu cầu tôi phải cắt đứt mối quan hệ cha – con này. Bởi vậy, bố mẹ tôi rất tức giận, không cho phép anh tới thăm con. Tôi cũng không liên lạc với anh trong suốt thời gian sau đó.

Nay tôi đã lấy chồng, tôi muốn đổi lại họ của cháu sang họ tôi và xóa tên anh khỏi khai sinh của cháu. Tôi chủ động nói chuyện này cho anh biết nhưng thật bất ngờ, anh không những không đồng ý, còn đòi tôi đưa con cho anh nuôi, trong khi từ lúc cháu ra đời anh chưa bao giờ cho con được một đồng.

Xin luật sư cho biết, tôi có thể đổi họ cho con được không? Và tôi có thể yêu cầu anh ta cấp dưỡng cho con mình không? Dựa vào căn cứ pháp luật nào?

{keywords}
Tôi không muốn giao con cho anh ta (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Căn cứ thay đổi họ cho con.

Điều 27 Bộ Luật dân sự quy định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên cụ thể như sau

“Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên 

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ".

Khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

“Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.”

Đối chiếu với quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 123/2015/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:

"Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó”.

Việc thay đổi họ cho cháu bé cần chú ý đến quyền lợi hợp pháp của con và phải được sự thỏa thuận, đồng ý của cả cha và mẹ. Việc bố của cháu bé không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và thăm nom các con, không phải là căn cứ pháp lý để thay đổi họ cho con. Do vậy yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ của bạn sẽ không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Thứ hai: Cấp dưỡng cho con ngoài giá thú

Theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:

“1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Bạn có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân gia đình 2014: “Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Như vậy nếu người đó từ chối cấp dưỡng thì bạn và bạn sẽ nộp đơn yêu cầu Tòa án buộc  phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. 

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc