- Vợ chồng tôi kết hôn được 10 năm, có với nhau 2 người con, một trai 9 tuổi và một gái 3 tuổi. Tôi nhận nuôi con gái, còn con trai về ở với bố. Ngoài tài sản chung đã chia đôi, tôi còn một mảnh đất là tài sản riêng do bố mẹ để lại.

Đầu năm nay, tôi phát hiện mình bị ung thư không còn sống lâu được nữa. Tôi băn khoăn khi bố mẹ mình đã mất, bản thân tôi lại là con một nên chắc con gái tôi sẽ về ở với bố. 

Tôi muốn cho con trai tôi đứng tên mảnh đất nhưng giờ cháu mới 13 tuổi, chưa đủ tuổi thành niên thì có được không? Ngoài ra các tài sản khác, tôi muốn quy ra tiền mặt và lập thành tài khoản cho con gái tôi, khi nào cháu đủ 18 tuổi thì nhận có được không? Mong luật sư tư vấn giúp.

{keywords}
Con tôi còn quá nhỏ thì có được phép đứng tên trên sổ đỏ? (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người chưa thành niên.

Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015, người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Con trai bạn 13 tuổi, theo quy định của pháp luật, con trai bạn là người chưa thành niên, Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định: “3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

Như vậy, để con trai bạn có thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, con trai bạn cần có người đại diện theo pháp luật. Điều 136 Bộ luật Dân sự quy định:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, vợ chồng bạn đều có thể là người đại diện theo pháp luật của con trai bạn. Trong trường hợp này, chồng bạn sẽ là người đại diện theo pháp luật của con bạn. Bạn cần lập hợp đồng tặng cho mảnh đất có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có chồng bạn kí tên xác nhận việc nhận tặng cho con bạn. Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

Thứ hai: Việc tặng cho tài sản bằng tiền mặt cho con gái bằng cách mở tài khoản ngân hàng cho cháu Tại Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN thì Đối tượng mở tài khoản thanh toán gồm:

Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán;

– Người chưa đủ 15 tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (không thuộc nhóm người tử đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán) người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, việc mở tài khoản cho con gái bạn phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc