- Tôi đang mở hàng cầm đồ. Xin luật sư cho biết, nếu tôi cho một người cầm cố xe máy nhưng lại là xe máy ăn trộm, trên giấy tờ ghi chính chủ nhưng giấy tờ xe và CMT đều là giả thì tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tôi có quyền lấy lại số tiền đã mất khi cho người này cầm cố không? Những hành vi liên quan đến dịch vụ cầm đồ mà pháp luật không cho phép là gì? Cảm ơn luật sư.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi có phạm pháp khi cho cầm cố xe ăn trộm? (Ảnh minh họa)

Trường hợp 1: Bạn biết chiếc xe này là tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn quyết định nhận cầm cố. 

Điều 250 Bộ Luật hình sự hiện hành quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, như sau:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. 

Như vậy, nếu bạn biết trước chiếc xe này do trộm cắp mà có được nhưng vẫn nhận cầm cố thì  có thể sẽ phạm tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Thứ hai: Những hành vi liên quan đến cầm đồ mà pháp luật không cho phép làm bạn có thể tham khảo điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người chủ cửa hàng cầm đồ có thể bị xử phạt hành chính đối với những hành vi sau

“Điều 11. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Không xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

d) Không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh mà không có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền;

c) Cho mượn, cho thuê, mua, bán giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;

đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;

e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;

g) Bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền;

h) Hoạt động kinh doanh vũ trường, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino nhưng không có bảo vệ là nhân viên của công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định;

i) Bán hoặc cho thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho những đối tượng không có giấy phép sử dụng loại thiết bị trên của cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Sửa chữa, tẩy xóa giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

c) Không duy trì đúng và đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật;

b) Cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2; Điểm d Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

6. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc