- Ông ngoại tôi có bốn người con, một trai ba gái. Ông bà tôi đã mất được hơn một năm không để lại di chúc. Hiện tại cậu tôi cầm sổ đỏ của ngôi nhà ông bà ở, muốn chiếm hết không chịu chia cho ai, lấy lí do là con trai duy nhất. Xin hỏi luật sư mẹ và các dì tôi có thể viết đơn kiện đòi chia tài sản được không? Nếu cậu tôi không đồng ý chia thì có cách nào cưỡng chế không?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Cậu tôi muốn độc chiếm nhà, mẹ và các dì tôi có kiện được không? (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông bà bạn mất không để lại di chúc, nên ngôi nhà ông bà bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật. 

Thứ nhất: Chia di sản theo pháp luật

Cụ thể, những người được hưởng thừa kế trong trường hợp này là bốn người con của ông bà bạn. Mỗi người sẽ được hưởng phần thừa kế bằng nhau theo quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự 2005:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Thứ hai: Khởi kiện tranh chấp thừa kế 

Những người thừa kế có thể viết đơn khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc chia thừa kế . Do đây là tranh chấp về dân sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự 2005, sửa đổi, bổ sung 2011: “Tranh chấp về thừa kế tài sản.” nên Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản là ngôi nhà theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 33 và điểm c khoản 1 điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011:

Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

“1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;”

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.”

Thứ ba: Trường hợp có bản án nhưng trốn tránh thi hành.

Khi bản án có hiệu lực mà Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu cậu của bạn không tự nguyện  theo bản án thì những người liên quan có thể đề nghị chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định  tại Luật thi hành án 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này. Điều 116. Cưỡng chế giao, trả giấy tờ

1. Trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó.

Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải giao, trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao, trả giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao, trả thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao, trả giấy tờ để thi hành án.

2. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án, người trúng đấu giá tài sản thi hành án.

3. Trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy tờ về tài sản khác thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 106 của Luật này.

4. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại thì việc thi hành án được xử lý theo quy định tại Điều 44a của Luật này.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc