- Tôi cho người quen vay 60 triệu đồng, có giấy thế chấp tài sản là một chiếc xe máy SH, họ vẫn giữ xe còn tôi cầm giấy tờ xe. Họ hứa trả nợ trong vòng 6 tháng không lãi suất. Sau 1 năm, tôi vẫn không nhận được tiền của mình. Tôi mang giấy vay nợ sang đòi thì họ uy hiếp, xé giấy vay nợ và dọa sẽ kiện ngược lại tôi chiếm đoạt giấy tờ xe của họ. Tôi có thể kiện đòi tài sản của mình hoặc kiện họ tội uy hiếp, vu khống không? Nhờ luật sư tư vấn giúp.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi rất bức xúc vì đã không đòi được tiền lại còn bị kiện ngược (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, về việc kiện đòi tài sản:

Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung 2011 quy định như sau: “Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.” 

Theo quy định này nếu bạn muốn khởi kiện vụ này ra Tòa, bạn phải làm đơn khởi kiện kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan gửi đến Tòa án để chứng mình cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi 2011 về xác định chứng cứ, "chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc". Đối với "các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó”. 

Như vậy, bạn vẫn có thể khởi kiện ra Tòa trong trường hợp giấy vay nợ đã bị hủy hoại nếu ngoài giấy vay nợ trên, bạn có tài liệu khác ghi nhận việc vay nợ giữa hai bên hoặc giấy thế chấp tài sản là chiếc xe máy để thực hiện việc trả nợ. Nếu bạn có một trong các chứng cứ như trên, bạn mới có cơ sở khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ hai, về việc kiện tội uy hiếp, vu khống:

Khoản 1 điều 135 Bộ luật dân sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” Theo quy định này, người nào có hành vi thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì được coi là phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Hành vi thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác ở đây được hiểu là dùng các thủ đoạn  gây áp lực lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản theo đòi hỏi của người phạm tội đưa ra. Ở trường hợp của bạn, người vay tiền của bạn có hành vi dọa sẽ kiện lại bạn chiếm đoạt giấy tờ xe của họ, hành vi này chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hình sự nên bạn không có cơ sở để khởi kiện hình sự trong trường hợp này. 

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc