Nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách, chật vật giữa tâm dịch

Trong căn phòng trọ 12m2 ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), 5 người miền Trung chia nhau bữa cơm gồm có bát dưa xào, đĩa trứng rán, bát canh mỳ tôm nấu rau dại và một lọ nước mắm ớt. Rau dại tìm được ở ven đường, bãi đất trống gần khu trọ, những người lao động nghèo đem về nấu ăn cho đỡ xót lòng.

{keywords}
Bữa cơm đạm bạc của 5 người trong căn phòng trọ chật hẹp.

Bà Oanh (53 tuổi, quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) chia sẻ, có được bữa cơm “đầy đủ” như thế này là nhờ sự hỗ trợ của hội đồng hương. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của những lao động bị mắc kẹt, hội đồng hương đã mang gạo, mỳ tôm, trứng, dưa muối qua tận nơi ủng hộ.

Bà Oanh kể, hai vợ chồng bà vào Đà Nẵng ngày 25/7, làm tại công trường xây dựng được 4-5 hôm thì Đà Nẵng cách ly xã hội toàn thành phố để chống dịch. Công trình xây dựng, hoạt động vận tải dừng hoạt động, vợ chồng bà Oanh bị kẹt ở khu nhà trọ từ đó đến nay.

Trọ cùng khu nhà bà Oanh có 3 người nữa cùng quê Nghệ An vào làm công nhân xây dựng, từ ngày cách ly, hai phòng trọ nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí.

“Cuộc sống quá khó khăn chúng tôi mới phải rời quê hương để vào đây kiếm việc mưu sinh, nhưng mới làm được mấy ngày thì dịch bệnh bùng phát. Tất cả chúng tôi đã vét sạch đồng tiền cuối cùng”, bà Oanh nghẹn lòng nói.

{keywords}
Mất việc vì dịch bệnh, mắc kẹt ngay tâm dịch, cuộc sống của những lao động nghèo rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu.

Bà Nguyễn Thị Sửu (48 tuổi), người nấu cơm chung với bà Oanh để tiết kiệm chi phí chia sẻ, những ngày qua, mọi người chỉ ở trong phòng trọ, không dám đi đâu ngoại trừ đi hái rau dại để cải thiện bữa ăn.

“Phòng trọ được phát thẻ đi chợ nhưng không có tiền nên chúng tôi cũng chưa sử dụng đến thẻ. Bữa cơm như thế này đối với chúng tôi đã là quá tốt rồi. Nếu không có hỗ trợ thì chúng tôi chỉ có ăn cơm chan nước mắm qua ngày”, bà Sửu tâm sự.

Là trụ cột của cả gia đình, ở quê còn có 3 đứa con, cứ nhận được lương là bà Sửu gửi về quê hết cho các con để ăn học. "Tháng này dịch bệnh, không có tiền gửi về quê, cũng không biết lấy tiền đâu để ăn ở, trả tiền thuê trọ. Ở lại cũng dở mà về cũng dở", bà Sửu day dứt.

"Giờ về quê cũng không về được vì không có xe. Nếu có xe thì không có tiền để mua vé. Hơn nữa, về quê lúc này rất nguy hiểm vì nhỡ trên xe chẳng may có ai bị nhiễm Covid-19. Ở lại Đà Nẵng bây giờ tuy khó khăn nhưng ít ra vẫn còn gạo, còn mỳ tôm ăn qua ngày. Giờ tôi chỉ mong sớm hết dịch bệnh để được đi làm trở lại”, bà Oanh an ủi bà Sửu mà cũng là động viên chính mình.

{keywords}
Bà Oanh hái rau dền mọc dại ven đường về nấu canh.

Mong hết dịch để về quê với gia đình

Cũng là một lao động đang bị mắc kẹt giữa tâm dịch, anh Hoàn (quê ở Yên Thành, Nghệ An) kể anh mới vào Đà Nẵng được vài tháng làm công nhân xây dựng; lương tháng 6 đã nhận, anh gửi về quê cho vợ con; còn lương tháng 7 mới được chủ thầu trả một nửa.

Hơn 2 tuần qua, anh chỉ quanh quẩn trong phòng trọ 25m2 với 22 anh em lao động khác, anh Hoàn rất mong được trở về nhà.

“Ở đây, các anh em đều là lao động chính của gia đình. Tiền bạc thì đã hết sạch, những ngày qua chúng tôi chủ yếu sống nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân về nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, rau… Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh chưa biết đến khi nào, cứ ăn và nằm cả ngày chờ sự giúp đỡ, tôi thấy rất sốt ruột, sợ phiền hà cho mọi người. Vì thế tôi rất mong được trở về quê, về cách ly rồi tìm một công việc ở quê để kiếm sống cho ổn định”, anh Hoàn nói.

Cùng tâm tư như anh Hoàn, anh Lương Văn Vông, người dân tộc ở miền núi Tương Dương (Nghệ An) cũng chỉ mong có thể về quê với gia đình. 

Anh Vông vào Đà Nẵng làm công nhân xây dựng; ở trọ cùng hàng chục công nhân người Nghệ An và Quảng Bình trong một căn nhà nằm trên đường Nguyễn Đức An, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Khi thành phố cách ly, công trường dừng hoạt động, mười mấy anh em không có việc làm, cũng không có tiền, bị mắc kẹt lại. Ngoài vài lần được các nhóm từ thiện hỗ trợ suất cơm miễn phí thì bữa cơm hằng ngày của 13 công nhân chủ yếu ăn với cá khô, mỳ tôm.

{keywords}
Căn nhà trọ là nơi ở của 13 công nhân xây dựng bị mắc kẹt. Mong muốn của tất cả những người này là được trở về quê.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, trên toàn địa bàn TP hiện có khoảng 15.000-16.000 lao động tự do ở nhiều địa phương đang kẹt lại ở các khu nhà trọ, tạm trú. Nếu tính toàn bộ lao động ngoại tỉnh như công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp... thì con số này lên hơn 110.000 người. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp vẫn đang làm việc; khó khăn nhất là số lao động tự do mất việc.

Diệu Thuỳ

Tiếp sức điểm nóng Covid-19 cùng VietNamNet

Tiếp sức điểm nóng Covid-19 cùng VietNamNet

Những đóng góp của bạn đọc, dù là 1.000 đồng hay hàng chục triệu đồng, đều mang ý nghĩa động viên to lớn, góp công sức giúp cả nước xoá bỏ nỗi lo dịch bệnh.