{keywords}
{keywords}

Một bịch cá khô mua với giá 50 ngàn đồng, cha con anh Tuấn ăn dè xẻn từ ngày thành phố giãn cách theo chỉ thị 15. Anh từng nghĩ, chỗ cá khô đó và những suất cơm từ thiện cũng đủ để cha con sống qua ngày, gắng gượng chờ “bão” Covid-19 tan. Thế nhưng biến chủng mới lây lan quá nhanh, ập cả đến khu trọ nghèo khiến anh trở tay không kịp.

Gần cuối tháng 6, nhà trọ bị phong tỏa cũng là lúc cá khô của cha con anh hết sạch. Người cha nghèo chẳng dám mua thêm, bởi anh phải tằn tiện để có tiền xét nghiệm Covid-19 cho bé Quyền Trân vào bệnh viện chạy thận định kỳ. Bữa nào có cơm từ thiện, cha con anh được no bụng. Những hôm không xin được đồ ăn, anh mua riêng cơm cho con gái, còn mình thì chấp nhận đi ngủ với cái bụng lép xẹp.

Ngày chuyển cách ly từ khu trọ sang bệnh viện, anh vét sạch túi cũng chỉ đủ tiền làm xét nghiệm Covid-19. Ngồi thờ thẫn giữa căn phòng trống hoác, anh thậm chí chẳng bận tâm đến bộ quần áo rách thủng lỗ chỗ đang mặc, bởi còn mải suy nghĩ làm thế nào để kiếm tiền cho con gái đáng thương chữa bệnh.

{keywords}

 

Vợ bỏ đi khi 3 đứa con còn non dại, ông bà nội già yếu, người con gái lớn lại khờ khạo, chẳng ai đủ khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để thay anh chăm sóc Quyền Trân. Anh càng không dám mặc con gái bệnh tật vất vưởng nơi thành phố để đi kiếm việc làm. Cái khó bó hết mọi nẻo đường mưu sinh, cuộc sống ngày càng chật vật.

Giờ đây, mỗi lần xét nghiệm Covid-19 tốn đến vài trăm nghìn đồng, rồi tiền mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, thêm tiền phòng trọ tháng trước cũng chưa có để đóng. Anh vò đầu, bất lực, chẳng nghĩ ra nơi nào để mượn tiền.

Cách ly tại bệnh viện không giống như anh Tuấn hình dung là sẽ “có cơm từ thiện”. Nếu muốn ăn no, mỗi ngày anh phải tốn đến 100 ngàn đồng để mua cơm. Vì vậy, anh chỉ dám gọi một phần cơm nấu nhạt cho con gái, còn mình chấp nhận đi ngủ với cái bụng rỗng. Thỉnh thoảng anh mới mua một phần cho mình để tránh bị đói đến ngất xỉu.

Trong khi còn chưa tìm được cách xoay sở tiền cho con gái chữa bệnh, anh giật mình đứng phắt dậy khi hay tin ở dưới quê Tiền Giang, hai con gái và cha mẹ già của anh cũng bị cách ly tại nhà, do dịch Covid-19 đã càn quét đến gần xóm. Thế nhưng bản thân anh cũng đang phải cách ly tại bệnh viện nên không thể về, mà cũng chẳng có tiền để gửi gắm.

“Covid-19 giống như cái lồng giam của tôi vậy. Con bệnh không thể lo, cha mẹ già, rồi hai đứa con đang cần trợ giúp cũng không làm được. Không biết ở quê họ lấy gì mà ăn!”, anh Tuấn rối bời.

{keywords}


2 giờ sáng, Tấn Minh vẫn đang chập chờn ngủ thì bị mẹ gọi dậy để chuẩn bị đi chạy thận. Cậu bé uể oải, ngáp ngắn ngáp dài nhưng không hề cự nự. Thức giấc giờ này đã trở thành thói quen hơn 1 tháng nay của con.

Quãng đường từ nhà Tấn Minh ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đến bệnh viện, đi xe máy hết 3 tiếng đồng hồ. Trước đây cha mẹ con thay phiên đưa hai anh em đi chạy thận. Cha đưa anh Tấn Thông lên Bệnh viện Củ Chi, mẹ con Tấn Minh đi xe bus lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Dù phải dậy sớm nhưng con vẫn được dựa vào mẹ ngủ thêm một lúc.

Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, xe buýt về Tây Ninh tạm ngưng hoạt động. Sau 10 năm ròng rã tập trung cứu chữa bệnh thận cho các con, gia đình chị Lam đã kiệt quệ kinh tế từ lâu, nợ nần chất chồng. Đến giờ, nhà chỉ còn giữ được mỗi chiếc xe máy. Ngặt nỗi, hai đứa trẻ chạy thận 3 lần/tuần, vào các ngày như nhau. Vì vậy, chồng chị phụ trách việc đưa các con đi.

Để kịp cho anh trai lên bệnh viện, Tấn Minh sẽ phải dậy sớm hơn trước 1 giờ. Ngồi sau xe máy của cha, cậu bé gật gù, nghiêng ngả vì buồn ngủ và mỏi mệt. Không chỉ bị suy thận mạn giai đoạn cuối, Tấn Minh còn mắc phải căn bệnh thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), thường xuyên thiếu máu. Trước đó, có những đợt con phải nhập viện cả tháng để truyền máu và theo dõi. Ngoài ra, con còn bị lá lách to nên hay khó thở. Bệnh tật giày vò khiến cậu bé ngủ chập chờn, nhiều đêm thức trắng.

{keywords}

 

Đợt này thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, cha con Tấn Minh mất nhiều thời gian để “thông chốt” kiểm dịch hơn trước. Anh Tấn không dám bỏ lỡ một giây phút nào. Thậm chí anh còn phải xin bác sĩ cho Tấn Minh được về sớm mới kịp giờ đưa con trai lớn đi. Liên tục một ngày dài, lúc về đến nhà cũng đã hơn 5 giờ chiều, cậu bé gục ngã ra giường, mệt đến nỗi chẳng trở nổi mình. Cơ thể gầy trơ xương của con dường như không còn chút sức sống.

Nhìn con trai xanh xao, hơi thở yếu ớt, chị Lam lo sợ con lại bị thiếu máu như những đợt trước, nhưng ngặt nỗi giờ chẳng có cách nào để chị đưa con đi. Nếu mướn xe riêng sẽ tốn tới vài triệu đồng, mà hiện tại đến tiền cho con được chữa bệnh, vợ chồng chị cũng đã phải cầu cứu khắp nơi, được bữa nay, chưa biết bữa mai. “Giờ chỉ cầu mong cho chúng nó được tiếp tục chữa bệnh thôi. Vất vả thế nào chúng tôi cũng chịu được”, chị Lam chua xót.

{keywords}

Những vết xước chằng chịt khắp tay, chân chị Trâm chẳng phải do gây gổ, ngã xe hay té đụng, mà bởi con gái Quỳnh Châu của chị gây ra. Trong cơn co giật, hoảng loạn vô thức, cô bé đã cào cấu mẹ để giải tỏa sự đau đớn, bức bối trong cơ thể, mà chính con cũng không tự chủ được hành vi của mình.

Mặc dù vậy, nỗi đau ngoài cơ thể đó chẳng thấm tháp là bao so với nỗi đau trong lòng chị, càng không thể so nổi sự quằn quại, giằng xé mà con gái chị đang phải gánh chịu. Quỳnh Châu bị suy thận mạn giai đoạn cuối đã gần 4 năm.

Vài lần rơi vào lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, con may mắn vượt qua, nhưng bệnh biến chứng ngày càng nặng. Hơn một năm trước, huyết áp tăng quá cao, con phải cấp cứu gấp và thở máy. Sau khi tỉnh lại, bác sĩ nói với chị Trâm, bệnh của con đã biến chứng sang suy tim. Ngoài chạy thận định kỳ, chị còn phải mua thuốc ổn định huyết áp, kali và suy tim. Mỗi tháng, chỉ riêng tiền thuốc cũng đã tới 5-6 triệu đồng.

4 năm dài đằng đẵng hai mẹ con rời quê Đắk Lắk vào thành phố chữa bệnh, người cha đã bỏ rơi mẹ con chị từ khi Quỳnh Châu mới 6 tháng tuổi chẳng giúp một đồng. Chị chỉ có thể trông cậy vào sức già của cha mẹ, rồi vay vốn ngân hàng, cậy nhờ những nhà hảo tâm.

Trong căn phòng trọ tồi tàn nằm sát cổng bãi gửi xe Bệnh viện Nhi Đồng 2, ngoài chiếc quạt máy đang chạy cành cạch thì chẳng có đồ gì đáng giá. Ở một góc, chiếc tủ do hai mẹ con tự chế từ những thùng carton xin được ở bệnh viện ngả nghiêng, dù chỉ xếp vài món đồ cũ kỹ.

{keywords}

Khi dịch bệnh chưa bùng phát, xe cộ còn lưu thông, thỉnh thoảng, chị nhận được gạo, mắm muối do cha mẹ gửi từ quê vào để nấu ăn. Nhưng đã hơn một tháng thành phố giãn cách, không được quê nhà “tiếp tế”, hai mẹ con chị chẳng còn thứ gì ăn được. Những công việc lặt vặt mà chị nhận được ở gần bệnh viện như phụ quán cơm, rửa bát, giặt đồ, chăm sóc trẻ... cũng không còn. Mà nhà hảo tâm thường hay giúp đỡ mẹ con chị còn đang phải tự cách ly tại nhà.

Giữa trùng vây của dịch bệnh, chị chưa biết làm thế nào để có tiền mua đủ thuốc cho con thì người ở chung phòng trọ với mẹ con chị rời đi, khoản tiền phòng lại đội lên hơn 3 triệu đồng. Tiền thuốc, tiền nhà trọ dồn dập “gõ cửa” khiến chị như rơi vào vực thẳm. Số tiền hơn 10 triệu đồng lúc bình thường đã khó lo nổi, giờ đây lại càng chẳng có cách nào.

Cũng đã hơn một năm nay, chị hiếm khi được thấy nụ cười của con gái. Đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, đáng lý phải hồn nhiên, vui vẻ nhưng giờ lại ngồi một chỗ u sầu, ánh mắt cô độc, đau đớn vì bệnh tật khiến chị quặn lòng. Mấy ngày này, tiền trong túi đã cạn, chị lo sợ không cách nào để mua thuốc cho con. “Nếu không có thuốc thì con có nguy cơ co giật, không thở được mà chết mất”, người mẹ nghèo ôm mặt khóc nấc lên.

Chị Phạm Quỳnh Trang, một nhà từ thiện đã hỗ trợ cho các bệnh nhi chạy thận ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nhiều năm nay chia sẻ với PV VietNamNet: “Từ số tiền kêu gọi được, mỗi tháng tôi giúp các bé 500.000-1.000.000 đồng. Nhưng tháng 6 vừa qua, tình hình dịch bệnh căng quá, con hẻm gia đình tôi sinh sống bị cách ly nên không kịp tặng cho tất cả các bé. Tháng 7 này vẫn còn chưa biết sẽ ra sao. Tội các con lắm”.

Quyền Trân, anh em Tấn Minh hay Quỳnh Châu chỉ là số nhỏ trong rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn phải chạy thận mà báo VietNamNet đã đăng tải trong suốt thời gian qua. Mặc dù nhiều bạn đọc trên cả nước đã quan tâm, sẻ chia với nỗi vất vả của các em song bởi tình hình dịch bệnh phức tạp, sự giúp đỡ bị hạn chế đi rất nhiều. Mong sao những tấm lòng nhân ái vẫn luôn yêu thương các em, cùng nhau đồng lòng thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh đang chật vật sinh tồn giữa cuộc đời.

Bạn đọc quan tâm đến các hoàn cảnh trên, để ủng hộ xin gửi về:

Cha con bé Quyền Trân: MS 2021.169

Anh em Tấn Thông - Tấn Minh: MS 2021.115

Bé Quỳnh Châu: MS 2021.180

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 114000161718

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 028 3818 1436.

 Bài: Khánh Hòa

Thiết kế: Phạm Luyện