Người dân thôn Ba Tâm, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình gọi gia đình ông Nguyễn Quảng Thảnh (SN 1945) là gia đình “kẻ chài”.

Trước đây, cả nhà ông sống quây quần trên những chiếc thuyền đậu ven bờ sông, sau này khi các con đã lớn và lập gia đình, mọi người lại chuyển lên sống co cụm thành xóm nhỏ chênh vênh bên bờ sông Gianh. Không có đất sản xuất nên cha mẹ, con cái đều làm nghề chài lưới.

{keywords}
Căn nhà tạm bợ, chênh vênh của mấy cha con ông

Băng qua con đường nhỏ chỉ vừa chỗ cho một chiếc xe, băng qua đám rừng trồng của người dân địa phương tạo thành một xóm nhỏ heo hút, cô đơn, chúng tôi mới đến được nhà ông Thảnh. Trong căn nhà lợp ngói, che chắn bằng các tấm ván gỗ đã mối mọt, ông đang nằm trên giường, miệng liên tục xuýt xoa đau đớn vì khối u ác tính ngay cạnh tai rỉ máu.

Vợ mất cách đây gần chục năm, hiện ông đang sống cùng hai con là anh Nguyễn Văn Thái (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1976). Cả hai đều bị bệnh thần kinh.

Ông kể, vợ chồng ông vốn là người cùng làng, sau khi lấy nhau cả hai đều đi công nhân hỏa tuyến. Đến lúc có bầu, bà mới về quê sinh. Anh Thái chính là con trai đầu của ông bà.

{keywords}
Ông có 5 người con thì 2 người bị bệnh thần kinh

“Nghe mẹ chồng tôi kể lại, lúc nhỏ anh Thái rất hay lên cơn co giật, động kinh, mặc dù đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình hình không thuyên giảm. Gần 50 tuổi anh vẫn như một đứa trẻ, ngu ngơ, khờ khạo. Những khi trời nắng to, anh ấy trở nên mất kiếm soát, phá nhà, hò hét, cả nhà phải trốn vì sợ bị anh ấy đánh”, chị Trần Thị Lý, con dâu ông Thảnh sống gần đó cho biết.

Ông bà chỉ có một người con gái là chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1976), cũng giống anh Thái, chị Tuyết bị động kinh từ nhỏ. Thuốc men mãi không khỏi nên hơn 40 tuổi, chị vẫn sống cùng bố và anh trai.

Cách đây 2 năm, chị bị khó thở, người tím tái. Gia đình đưa đi bệnh viện khám thì phát hiện bị hở van tim, không có tiền làm phẫu thuật nên đành về nhà uống thuốc cầm cự.

{keywords}

Cha con ông Thảnh

Vì chị cũng ngờ nghệch không khác gì anh trai nên mọi việc trong nhà đều phải nhờ các em dâu sống gần đó giúp đỡ.

“Hằng ngày tôi đi chợ mua thức ăn cho cả hai gia đình, ở nhà nếu thích thì chị ấy thổi lửa nấu cho nồi cơm, không thích thì bảo chị ấy cũng không làm.Thuốc men hằng ngày cũng phải đưa tận nơi mới chịu uống.

Vì ở cạnh nhau nên nửa đêm nghe tiếng chị Tuyết dậy lục đục dọn dẹp, nói chuyện một mình khiến cả nhà mất ngủ là chuyện thường xuyên như cơm bữa”, chị Nguyễn Thị Vân, một người con dâu khác của ông Thảnh kể.

Sau khi bà mất mấy năm, ông Thảnh cũng bị tai biến, mặc dù được phát hiện sớm nhưng ông vẫn bị liệt một tay, chân cũng yếu, đi lại rất khó khăn. Cách đây khoảng 4 năm, cạnh tai trái của ông bỗng nhiên mọc lên một khối u nhỏ, lúc đầu chỉ bằng đầu đũa, sau cứ to dần lên.

{keywords}

Ông Thảnh mang một khối u đau đớn ngay sát tai

Đi khám thì được bác sỹ kết luận khối u ác tính đã chuyển sang ung thư, không thể phẫu thuật được. Hiện nay khối u đã bằng cái bát con, lở loét và thủng một lỗ sâu hoắm.

Mỗi ngày, các con đều lôi đống bông băng ngấm đầy máu và chất dịch từ trong khối u ra rồi lại nhét bông sạch vào nhưng chỉ 1 tiếng đồng hồ sau, máu và dịch từ vết thương sâu hoắm đó lại rỉ rả chảy, đau đớn vô cùng.

“Tôi đau lắm, đêm không ngủ được. Thêm việc cứ nửa đêm con Tuyết lại nói ra rả làm tôi càng nhức đầu hơn. Lâu rồi chưa được ngủ một giấc trọn vẹn. Nhiều lúc đau quá chỉ muốn về với các cụ, nhưng nhìn hai đứa con mấy chục tuổi đầu mà vẫn ngơ ngác khiến tôi không đành lòng”, ông Thảnh tâm sự.

Mỗi tháng, nhà nước hỗ trợ cho cả ba bố con ông khoảng 1,5 triệu đồng nhưng số tiền đó không đủ mua thuốc. Vì hết thuốc và chưa mua lại được nên bệnh tình của chị Tuyết có dấu hiệu nặng hơn.

{keywords}
Chị Tuyết thổi cơm trong gian bếp nhỏ, vừa làm vừa lẩm bẩm nói chuyện một mình

Ngoài anh Thái, chị Tuyết, các con trai của ông đã có gia đình riêng và sống gần đó nhưng học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp không ổn định, chỉ quanh quẩn chài lưới, thu nhập bấp bênh nên không giúp được gì nhiều.

Bình thường, gia đình ông sống dựa vào tôm cá bắt được dưới sông, nhưng đến mùa lũ, nước ngập gần nóc nhà, điều kiện sống càng thêm khổ sở.

Thấy người lạ đến nhà, chị Tuyết cứ quanh quẩn cười nói suốt buổi, còn anh Thái chỉ cười hềnh hệch rồi chạy mất hút, các em có gọi thế nào cũng không chịu về.

Trưa nắng, tiếng rên của ông Thảnh, tiếng chị Tuyết nói chuyện một mình, tiếng cười ngô nghê của anh Thái lẫn trong tiếng ì oạp vỗ nước của thuyền đánh cá càng khiến xóm “kẻ chài” thêm cô đơn, lạc lõng.

Hải Sâm

Mọi đóng góp xin gửi về: 

1. Gửi trực tiếp: Ông Nguyễn Quang Thảnh, thôn Ba Tâm, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. SĐT chị Nguyễn Thị Vân, con dâu ông: 0911934513

2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2019.074 (gia đình ông Thảnh)

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 114000161718

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. ĐT: 08 3818 1436

 
Cha không biết mặt, mẹ sớm bỏ đi, bé gái suy thận cầu cứu

Cha không biết mặt, mẹ sớm bỏ đi, bé gái suy thận cầu cứu

Không biết mặt cha, mẹ bỏ đi từ khi mới 2 tháng tuổi, cô bé ở với ngoại. Đến lúc ngoại qua đời, bé mang bệnh hiểm nghèo trong người không biết bấu víu vào ai nữa..