- Chồng tôi ăn trộm tài sản của một người với giá trị tài sản 2 triệu đồng (đã thu hồi). Phía người bị hại cũng đã bãi nại. Chồng tôi có nhân thân tốt và là lao động chính trong nhà. Vừa rồi do bị bạn bè dụ dỗ nên mới có hành vi không đứng đắn. Như vậy chồng tôi có được hưởng án treo không? Cảm ơn luật sư.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Chồng tôi đi ăn trộm là do bị xúi giục (Ảnh minh họa)

Đối với tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội trộm cắp tài sản thì:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. 

Tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn, chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì.

Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.

c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.

d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Theo quy định trên để được hưởng án treo thì trường hợp của chồng bạn phải có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn có 1 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: “ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. 

Như vậy, trường hợp của chồng bạn chưa đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định trên. Tuy nhiên, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự quy định: “ Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Chồng bạn đồng thời có những tình tiết được xem xét để giảm nhẹ như có đơn bãi nại, nhân thân tốt... thì có thể khi xét xử và tuyên án nếu đáp ứng đủ điều kiện tại nghị quyết trên,nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc