- Chúng tôi lấy nhau và sinh được một đứa con gái 3 tuổi thì vợ chồng tôi ly hôn. Khi ly hôn thì vợ tôi nhận nuôi con và tôi là người cấp dưỡng hằng tháng nuôi con là 4 triệu đồng.

TIN BÀI KHÁC:

Thời gian đầu, cô ấy vẫn để tôi đến thăm con và đưa con đi chơi. Nhưng khoảng 1 năm sau thì cô ấy không muốn cho tôi gặp con. Cô ấy chuyển đến ở một địa chỉ mới và công việc mới mà tôi không biết. Tôi gọi điện thì cô ấy không nghe máy hoặc gọi điện số máy lạ khi biết tôi cô ấy cúp ngang và không nghe máy nữa. Chính vì cô ấy không cho tôi gặp con nên tôi không biết làm cách nào khác nên tôi cắt khoản tiền trợ cấp nuôi con cho tới khi nào cô ấy chịu cho tôi gặp con. Xin hỏi tôi làm như vậy có đúng không? Và tôi phải làm thế nào để có quyền được gặp con vì tôi chẳng biết cô ấy ở đâu. Cô ấy không cho tôi gặp con thì bị xử lý thế nào? Nếu tôi gửi đơn mà không biết địa chỉ của cô ấy tòa có xem xét không.

{keywords}
Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Việc anh không tiếp tục cấp dưỡng nuôi con là không đúng quy định của pháp luật, vợ trước của anh hoàn toàn có quyền yêu cầu anh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Bản án hoặc Quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Bởi lẽ theo Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình – quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”.

Do đó, anh chỉ có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi “Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động” (Khoản 1 Điều 61 Luật Hôn nhân gia đình - quy định các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng).

Mặc dù anh không trực tiếp nuôi con nhưng anh có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Và nếu như anh lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con mới có quyền hạn chế quyền thăm nom con của anh bằng cách yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con (Điều 94 Luật Hôn nhân gia đình – quy định quyền thăm nom con sau khi ly hôn ).

Ở đây, nếu như anh không lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con của người vợ trước mà cô ấy lại không cho anh gặp con - hạn chế quyền thăm nom con của anh là cô ấy đã sai. Trường hợp này anh có thể thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con (theo Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án - khoản 3 “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”).

Về nguyên tắc, theo Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Tuy nhiên, do vợ trước của anh đã chuyển nơi ở, nơi làm việc và anh không thể liên lạc được với cô ấy - anh không biết được cô ấy đang cư trú và làm việc ở đâu thì anh có thể yêu cầu tòa án nơi cô ấy cư trú, làm việc cuối cùng giải quyết (theo Điểm a Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).