Nếu trước đây, điện thoại giả thường chỉ nhắm vào phân khúc bình dân thì nay nó đã tấn công qua các dòng điện thoại cao cấp. Người dùng nếu không tỉnh táo sẽ lâm vào cảnh “vứt tiền qua cửa sổ”

Hàng hiệu dỏm

Cuộc tấn công đầu tiên của điện thoại giả vào phân khúc điện thoại cao cấp, chính là những tên tuổi hàng hiệu ít người dùng nhưng lại rất nổi tiếng với những người sành về hàng hiệu. Đến bây giờ, gần như dễ dàng tìm được rất nhiều các dòng điện thoại của hãng Vertu, Mobiado... chỉ với giá 2-3 triệu đồng. Tuy thế, khi đến trang chủ của Vertu giới thiệu 10 phiên bản điện thoại phổ biến nhất của mình cũng không có cái nào giá dưới 5.000 USD (khoảng 100 triệu đồng Việt Nam). Cũng trong website của Mobiado và những đại lý của hãng này tại nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam), giá để có những chiếc điện thoại này không dưới 1.500 USD (khoảng 30 triệu đồng). Nếu làm một phép so sánh thì không iPhone, không BlackBerry, không Nokia... phổ thông chính hãng nào bán trên thị trường có thể “đọ giá” được với các điện thoại rẻ nhất của Vertu hay Mobiado.

Mobiado, nhãn điện thoại cao cấp bị nhái khá nhiều ở VN

Tuy nhiên, dạo một vòng trên mạng, sẽ thấy có rất nhiều gian hàng trực tuyến lẫn các cửa hàng, siêu thị điện thoại - vi tính (có địa chỉ cụ thể) rao bán những sản phẩm hàng hiệu với giá cực rẻ này, thậm chí có những máy được quảng cáo là có đính kim cương, dát vàng cũng chỉ có giá cỡ 1,5 triệu đồng. Theo anh T., nhân viên một siêu thị điện thoại trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1: “Phần lớn những chiếc máy này đều xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng linh kiện kém, còn tính năng thì thua xa điện thoại chính hãng. Mua phải những chiếc này, chỉ vài ba tháng sau là phải đổi điện thoại bởi càng sử dụng, máy càng xuống cấp”.

Smartphone “đểu”

Nếu như người dùng điện thoại hàng hiệu dỏm có thể dễ dàng bị phát hiện ngay trong lần đầu tiên... móc ra khoe thì với các smartphone giả, việc này có khó khăn hơn bởi độ phổ biến của nó. Điện thoại hàng hiệu thường được đính kim cương, dát vàng, hồng ngọc... với thiết kế tinh xảo nên chỉ cần nhìn sơ là có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Những người sở hữu điện thoại ấy cũng không dám ăn mặc lòa xòa khi mang trong mình một chiếc máy như vậy.

Nhưng với smartphone thì khác, bên cạnh Nokia, iPhone, HTC, BlackBerry... tham gia sản xuất những chiếc máy này còn rất nhiều hãng khác cũng góp mặt chia phần. Giữa một mê hồn trận các phiên bản điện thoại, hàng giả có thể chen chân vào một cách dễ dàng.

Một chiếc BlackBerry nhái với tên BiackBeiry, sử dụng 2 SIM 2 sóng

Điển hình cho việc này chính là Nokia, trên thị trường có rất nhiều model điện thoại Nokia mà chưa bao giờ hãng này thừa nhận. BlackBerry cũng chịu chung số phận khi nhiều dòng máy được ghi là BlackBerry xách tay nhưng thực tế là hàng giả, ráp và xách từ... Trung Quốc. iPhone cũng bị làm giả, bởi ngay khi có bất kỳ phiên bản mới nào ra đời thì tại Trung Quốc cũng có những chiếc ePhone, iFone, yPhone... gì đó giống y chang hàng thật.

Việc làm giả thậm chí còn lan qua ngành công nghiệp máy tính bảng. Giới sành công nghệ đến giờ vẫn còn truyền tai nhau chuyện máy tính bảng của Ấn Độ giá 100 USD nhưng thực chất lại là ruột Trung Quốc 100%.

Tại Việt Nam, một số hãng điện thoại trong nước cũng tung ra nhiều phiên bản di động của riêng mình nhưng sau khi mổ xẻ chi tiết bên trong, người ta nhận thấy tất cả đều là của Trung Quốc 100% ngoại trừ cái... nhãn hiệu.

Để tránh bị lừa

Theo L., chuyên viên sửa điện thoại tại một trung tâm bảo hành, việc phân biệt điện thoại thật giả không đến nỗi khó. Do tâm lý người Việt chuộng giá hơn chất lượng, nên khi thấy các điện thoại nhìn “sang” nhưng có giá rẻ là thường quyết định mua ngay mà không cần biết chất lượng bên trong ra sao.

Thường điện thoại giả có hình dáng rất bắt mắt nhưng tốc độ máy lại chậm hơn so với vẻ ngoài của nó. Trước khi mua điện thoại, hãy kiểm tra máy thật kỹ bằng cách mở máy và kích hoạt tính năng chơi game, lựa một vài game rồi chơi khoảng 2 phút mỗi game, nếu máy chạy ổn định, tốc độ chơi đều và phím nhạy thì bạn hãy kiểm tra tiếp bằng cách truy cập vào gian hàng trực tuyến của hãng điện thoại ấy (Nokia là Ovi Store, iPhone là App Store...), công cụ nhận diện phiên bản điện thoại tại đó sẽ cho bạn biết nó là máy giả hay máy thật.

Ngoài ra, theo lời khuyên của L.: “Trước khi mua điện thoại, bạn nên đi tham khảo nhiều nơi. Sau khi chọn được cái mình ưng ý, hãy khoan mua vội mà nên về nhà, lên mạng kiểm tra lại thông tin của dòng điện thoại ấy xem nó có phải là đồ giả, cấu hình có giống thiết kế không rồi mới quay lại mua. Thà mất hai ngày tìm hiểu cho kỹ còn hơn vội mua rồi cả nửa năm sau phải ôm một cục tức trong người mà không thể ném đi được”.

Nhật Thiện - An Hương (Theo TG@)