Sau 9 tháng tìm kiếm không có kết quả, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho phép gia hạn thăm dò kho báu nghi bị chôn giấu tại núi Tàu (Phước Thể, Tuy Phong) thêm 3 tháng.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài việc được gia hạn thời gian thăm dò thêm 90 ngày (đến hết ngày 10/10/2012), chủ dự án cũng sẽ được tăng số lượng mũi khoan thăm dò từ 5 lên 20 mũi và không hạn chế độ sâu.


Khu vực núi Tàu nơi được cho là đang chôn giấu kho vàng 4.000 tấn (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Tuy nhiên quyết định nêu rõ, nhóm những người săn kho báu không được tự ý mở rộng diện tích thăm dò và đánh mìn trong suốt quá trình thực hiện dự án. Diện tích thăm dò cố định là 2.400m2.

Trước đó vào ngày 10/10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp phép tìm kho báu núi Tàu cho ông Trần Văn Tiệp (97 tuổi). Kể từ ngày ký quyết định, ông Tiệp sẽ có 270 ngày để tiến hành thăm dò kho báu núi Tàu.

Để thực hiện dự án này, ông Tiệp phải ký quỹ 500 triệu đồng để tái lấp mặt bằng sau khi thăm dò (trong trường hợp không tìm thấy kho báu).

Trong trường hợp tìm thấy kho báu và kho báu đó có giá trị trên 10 tỷ đồng thì ông Tiệp sẽ được hưởng 0,5% giá trị. Tuy nhiên vì quyết định thăm dò do UBND tỉnh Bình Thuận cấp nên mức thưởng tối đa mà cấp tỉnh có thể thưởng nếu ông Tiệp tìm được kho báu chỉ không quá 200 triệu đồng (theo nghị định 96/2009/NĐ-CP).

Ông Trần Văn Tiệp là người đã dành hơn nửa đời người theo đuổi việc tìm kiếm kho báu trên núi Tàu. Giấc mộng đi tìm kho báu của ông bắt đầu từ khi ông tình cờ được vợ một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật tiết lộ về kho báu ở núi Tàu.

Ông Tiệp tin rằng có không dưới 4.000 tấn vàng cùng nhiều châu báu khác với tổng giá trị khoảng 100 tỷ USD được Nhật chôn giấu tại đây.

Suốt từ năm 1993 đến nay, ông Tiệp đã đổ nhiều tiền của và công sức vào công cuộc tìm kiếm kho báu. Theo thống kê, chỉ tính riêng thời điểm năm 1993, số tiền ông Tiệp dồn vào kho báu đã không dưới 2 tỷ đồng theo giá lúc đó.

Trong đợt thăm dò lần thứ 3 này, các con số được ước tính cũng không dưới 3,3 tỷ đồng.

Đ.Tâm (tổng hợp)