- Việc nâng giá bán lên 34 triệu đồng/m2 cao gấp hơn 4 lần so với mức giá cũ được Viglacera đưa ra nhiều lý do giải thích. Tuy nhiên, đối với khách hàng, đó là mức giá quá cao!

Dự án chậm triển khai vì khó khăn chính sách!?

Trước sự phản ứng của nhiều chủ đầu tư vào ngày 22/12 vừa qua, ngay sau đó, ngày 23/12/2011, Cty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera đã có văn bản kiến giải liên quan đến dự án Xuân Phương.

Trong Công văn số 258/CTHTĐT do GĐ cty, ông Nguyễn Anh Tuấn ký ngày 23/12 giải thích: dự án triển khai chậm vì liên quan đến chủ trương và chính sách của nhà nước và của UBNDT.P Hà Nội.

Nguyễn Anh Tuấn - GĐ Cty đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera giải thích: dự án triển khai chậm vì liên quan đến chủ trương và chính sách của nhà nước và của UBNDT.P Hà Nội.
Theo đó, Dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương hình thành xuất phát từ chủ trương của UBND TP Hà Nội trong việc di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường và không còn phù hợp với quy hoạch ra khỏi trung tâm thành phố.

Tại công văn số 2348/UBND-XDĐT ngày 02/6/2006 đã đồng ý chủ trương di dời nhà máy và chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương sang nhà ở để bán.

Để tạo một phần kinh phú di dời nhà máy và tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng có văn bản số 125 để CBCNV cho TCty vay tiền được hưởng lãi suất 0,8%/tháng và đăng ký mua nhà dự án với giá chuyển nhượng dự kiến 8 triệu đồng/m2; giá xây dựng 3,5 triệu đồng/m2.

Đơn giá này là dự kiến tại thời điểm tháng 2/2007 để TCty vay tiền với mức tối thiểu tương ứng 20% giá trị dự kiến một căn nhà.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ vì những khó khăn liên quan đến chủ trương, chính sách.

Cụ thể: QĐ số 2584/QĐ-UBND ngày 27/6/2007 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Xuân Phương tỷ lệ 1/500; TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng đã trình Đồ án quy hoạch lên Sở QHKT Hà Nội vào ngày 19/10/2007. Đồng thời, việc di dời nhà máy gạch cũng được triển khai thời điểm này.

Đầu năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội và Sở QHKT Hà Nội ban hành văn bản số 1114/VP-XD ngày 11/11/2008 và văn bản số 1258/QHKT – P1 ngày 31/12/2008 yêu cầu dừng thẩm duyệt quy hoạch các dự án trên địa bàn để rà soát cho phù hợp với quy hoạch chung. Vì thế, dự án bị dừng lại đến cuối năm 2009.

Ngày 30/10/2009, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 2240/VP-CD chấp thuận dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương. Ngày 20/01/2011, đồ án quy hoạch được chấp thuận.

Như vậy, sau gần 5 năm kể từ khi triển khai dự án, Viglacera giải thích lý do chậm tiến độ là những lý do khách quan do liên quan đến chủ trương, chính sách của Nhà nước và UBND TP Hà Nội.

Vì sao Viglacera tăng giá?

Trong thông báo thanh lý sổ tiết kiệm đối với phần vốn vay của khách hàng (là CBCNV của TCty) và đưa ra đơn giá mới, Viglacera áp dụng mức giá 34 triệu đồng/m2 và 4,5 triệu tiền xây dựng/m2. Ngay lập tức, chủ đầu tư đã vấp phải sự phản kháng của nhà đầu tư, và bị “tố” là đã “lật kèo”!

Hàng loạt dự án BĐS "nằm im" từ đầu năm 2011 khiến các nhà đầu tư "sốt ruột".
 

Lý giải điều này trong văn bản 258, ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Cty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera dẫn giải: cơ sở tính toán chi phí đầu tư dự án và xây dựng giá bán do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài khoảng 5 năm là do điều kiện bất khả kháng.

Theo ông Tuấn, mức giá mới được hình thành do phát sinh về chi phí tài chính và phát sinh về chi phí tiền sử dụng đất.

Từ khi di dời nhà máy gạch Từ Liêm về địa điểm mới, chi phí di dời nhà máy gần 70 tỷ đồng thuộc vốn tự có và vốn vay ngân hàng, hàng năm đơn vị di dời nhà máy phải gánh chi phí hơn 10 tỷ đồng (bao gồm 2 tỷ tiền thuê đất; 8 tỷ tiền chi phí tài chính).

Chi phí tiền lãi do vay CBCNV từ tháng 3/2007 đến khoảng tháng 9/2011 khoảng 75 tỷ đồng.

Tương tự, đơn giá tiền sử dụng đất thời điểm 2007 là 3 triệu đồng/m2; QĐ số 5639/QĐ-UBND ngày 02/12/2011 phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất dự án chức năng KĐT Xuân Phương với đơn giá 15.173.483 triệu đồng/m2, gấp 5,1 lần đơn giá cũ.

Một nguyên nhân khác là do giá cả vật tư biến động.

Ông Tuấn khẳng định: mức giá mới 34 triệu/m2 đất và 4.5 triệu/m2 xây dựng, chủ đầu tư chỉ thu lợi nhuận sau thuế 16,9%.

“Mức giá mới mà Viglacera đưa ra vẫn thấp hơn so với mức giá chuyển nhượng tại Xuân Phương thời điểm hiện tại” – văn bản này giải thích.

Thông tin từ phía chủ đầu tư: hiện tại, 92% khách hàng đã thanh lý sổ tiết kiệm với mức lãi suất 0.8%. Những người không chấp nhận đơn giá mới, không đăng ký mua nhà, chủ đầu tư sẽ thanh lý sổ tiết kiệm theo phương thức trả gốc + lãi suất tính theo tháng.

Và ngay sau khi ban hành văn bản giải thích này, ngày 24/12/2011, cuộc họp giữa chủ đầu tư và khách hàng đã được tổ chức.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh: cuộc họp chưa có tiếng nói chung, và cũng chưa có nội dung nào được thảo luận rõ ràng.

“Thứ hai, dự án chậm tiến độ kéo dài gần 5 năm, tuy nhiên chủ dự án không có thông báo gì tới khách hàng. Phiếu thu tiền theo nội dung công văn 125 cũng ghi rõ: nộp tiền huy động vốn khu đô thị Xuân Phương chứ không phải tiền cho công ty vay để được trả lãi” – anh Trần Hữu Sử, một nhà đầu tư chúng tôi đã nhắc đến trong kỳ trước lập luận.

Kiên Trung