- Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận với Góc nhìn thẳng về dựng trạm thu phí nhiều, tăng phí trùng tuyến khiến dân bức xúc.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Từ 1/4 tới, tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và quốc lộ 5 sẽ đồng loạt tăng mạnh phí sử dụng đường bộ với các mức tăng 25% và 50%. Với thông tin này, một lần nữa, phí đường bộ lại trở thành chủ đề gây bức xúc cho nhiều người dân, doanh nghiệp vận tải.

Làm sao để có thể giải quyết bài toán thu phí đường bộ hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã mời Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường phân tích sâu về vấn đề này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, việc thu phí đường bộ hiện nay đang khiến người dân cảm thấy sốc vì tăng liên tiếp, tăng quá cao, trạm thu lại dày đặc như đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng 4 tháng đã tăng 2 lần phí, có những chặng hơn 100km có tới 3-4 trạm thu. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Khi chúng tôi xin Chính phủ xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, bản thân tuyến Quốc lộ 5 đã xuống cấp. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng bằng hình thức BOT, với việc vừa nâng cấp tuyến cũ đồng thời xây tuyến mới. Trên cơ sở đó, chúng ta tiến hành thu phí cả 2 tuyến, quốc lộ 5 cũ và tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

Trên thực tế, giai đoạn đầu, quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 5 mới, để thu hút lượng xe vào, chúng tôi đều thu ở mức thấp. Đến nay, sau khi lượng xe đã ổn định, Tổng Công ty đã tiến hành thu phí ở mức theo Thông tư đã quy định.

Nhà báo Phạm Huyền: Việc tăng phí ở đây cần đảm bảo 3 yếu tố, như ông từng trả lời báo chí, đó là hoàn vốn cho nhà đầu tư, sức chịu đựng của dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều người nghĩ rằng, việc thu phí đang quá sức chịu đựng của người dân. Ông nghĩ thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng TrườngCó thể nói rằng, vừa rồi, chúng ta đã xây dựng các trạm thu phí là khá nhiều, nhưng chúng tôi đã tính đến các cự ly của các trạm thu phí đó đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính quy định. Cự ly cách nhau trung bình là tối thiểu 50-70 km mới có 1 trạm thu phí.

Hiện nay, Bộ GTVT đã cho rà soát tất cả các trạm thu phí và mức thu phí này đều đáp ứng quy định của Chính phủ, cũng như của Bộ Tài chính đưa ra.

{keywords}
Tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng sắp tăng phí từ 1/4/2016

Cũng có thể nói, tại sao việc tăng phí lại gây bức xúc? Việc này cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Qua đánh giá của các DN vận tải, đối với những tuyến chưa nâng cấp, phải nói rằng, chi phí cho nhà xe là rất lớn. Thứ nhất do thời gian lưu thông kéo dài, khấu hao xe cao, lượng xăng tiêu hao tốn nhiều hơn. Nhưng khi đi vào tuyến cao tốc, mặc dù phí có tăng lên khi chưa thu phí, nhưng tổng chi phí nhà xe chi ra cho hoạt động vận tải vẫn thấp hơn so với việc lưu thông trên khi chưa xây dựng các đường BOT.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tôi có một băn khoăn mà nhiều tờ báo đã phản ánh, xin hỏi lại, có những chặng đường chỉ hơn 100 km, như đi từ Hà Nội - Nam Định nhưng có tới 3 trạm thu phí. Ông giải thích thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Ở đây, chúng ta đưa ra hai khái niệm. Trên 1 tuyến đường, các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km, chúng tôi đã thực hiện đúng quy định đó. Khái niệm thứ hai là theo bán kính, từ 50-70km, không cho phép các trạm thu phí nằm dưới cự ly đó.

Trên thực tế, rất ít khi có những xe cùng đi qua các trạm thu phí cùng một lúc trong bán kính như vậy, mà chủ yếu đi các tuyến xen kẽ nhau. Cho nên, chúng tôi đã đề ra phương án thứ 2 là trong phạm vi bán kính 50km, không quá 3 trạm thu phí. Điều này đã được thực hiện đúng quy định.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, một nguyên tắc khi đầu tư đường BOT là phải có sự lựa chọn cho dân nhưng vẫn có nơi, người dân không có đường khác để lựa chọn ngoài đường BOT phí cao. Ông giải thích thế nào về tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đầu tư bằng BOT hiện nay có 2 hình thức. Thứ nhất, chúng ta nâng cấp sửa chữa các tuyến đường hiện có, do ngân sách Nhà nước không có để đầu tư. Thứ hai là chúng ta đầu tư bằng tuyến cao tốc. Theo quy định, chúng tôi chỉ thu phí trên đường cao tốc, còn tuyến không phải là cao tốc thì không thu phí.

Tuy nhiên, có những tuyến trùng nhau cả 2 hình thức đó, tức là, vừa cao tốc đầu tư để thu phí, con đường kia cũng là nâng cấp để thu phí. Cho nên, đúng là người dân không có cách nào để lựa chọn. Ở đây, có thể xảy ra việc trùng hay không trùng.

Nhưng về cơ bản, bộ GTVT vẫn khẳng định, khi đầu tư đường BOT, vẫn có tuyến đường bình thường cho người dân lựa chọn.

Nhà báo Phạm Huyền: Phải nói rằng, việc huy động tư nhân đầu tư làm cầu đường đã góp phần cải thiện bộ mặt giao thông VN. Nhưng hệ quả là người dân phải trả phí cao hơn, không tăng phí thì nhà đầu tư lỗ. Theo ông, mâu thuẫn này sẽ cần phải giải quyết như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói, khi chúng tôi xây dựng phương án đầu tư BOT cho các nhà đầu tư thì phương án tài chính rất rõ ràng. Mức phí để tăng đã được các cơ quan thẩm định của Nhà nước cho phép thực hiện, phù hợp với mức tăng CPI của quốc gia.

Bộ GTVT cũng đã có khuyến cáo các nhà đầu tư BOT, mặc dù Thông tư của Bộ Tài chính mức phí như vậy, nhưng cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đưa ra quá trình tăng phí cho phù hợp.

Thời gian vừa qua, hầu hết, CPI của chúng ta có tăng nhưng mức tăng không cao. Cho nên, mức thu phí BOT chúng tôi sẽ điều chỉnh theo mức tăng CPI đó. Ngược lại, giai đoạn nào, CPI của chúng ta giảm thì chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh để giảm. Điều đó đã được khẳng định ngay từ đầu rồi.

Chúng tôi cho rằng, giữa lợi ích nhà đầu tư BOT và quyền lợi của người dân khi tham gia giao thông có đóng phí thì cũng đã được tính toán tổng thể.

Từ 1/4/2016:

Tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng (xe dưới 12 chỗ) tăng 25%: Thấp nhất 160.000 đồng/lượt, cao nhất 840.000 đồng/lượt.

Quốc lộ 5 tăng 50%: từ 15.000 đồng- 40.000 đồng/lượt

Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (Hà Nội): thu phí như đường mới, 45.000 đồng/lượt xe 9 chỗ, 75.000 đồng/lượt xe trên 9 chỗ.

Từ 2016: Sẽ điều chỉnh phí đường bộ theo CPI

VietNamNet

Tin liên quan: