- Là ngày giỗ của những chiến sĩ thuộc đội 5, biệt động Sài Gòn, từng đánh vào dinh Độc Lập trong đợt Tết Mậu Thân 1968, do một cựu binh tổ chức, ngày mùng 1 Tết hàng năm.

Ngày giỗ đặc biệt

Ngày giỗ do cựu binh Bảy Hôn, tức Phan Văn Hôn (SN 1945), tổ chức tại nhà riêng nằm ven con lộ của ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

{keywords}

Những chiến sĩ của đội 5, biệt động Sài Gòn tại lễ giỗ chung cho đồng đội

Đúng ngày này cách đây gần 50 năm, ông Bảy Hôn và 15 đồng đội của đội 5 về thành để bước vào trận đánh lớn.

Năm nay, tề tựu về lễ giỗ đặc biệt này, ngoài ông Bảy Hôn, còn có 2 đồng đội khác là bà Chín Nghĩa, tức Vũ Minh Nghĩa và ông Nguyễn Văn Đực. Duy chỉ có cựu binh Nguyễn Đức Hòa không thể về tham dự. Họ là 4 trong tổng số 16 người đến nay còn sống.

Giữa trưa cựu binh Bảy Hôn chủ trì rót ly rượu xuân, mời anh em đồng đội một thời về chung vui, đón Tết.

“Ngày ấy, lực lượng đội 5 chúng tôi về thành đúng ngày mùng 1 Tết. 16 con người ẩn náu dưới hầm chứa vũ khí của ông Năm Lai (tức nhà tư sản Mai Hồng Quế, tên thật là Trần Văn Lai), ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, ngay sát nách các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc đó. Và hơn 1h sáng mùng 2 Tết, chúng tôi bước vào trận đánh để đời.

Ngày ấy, anh em chúng tôi xác định đã ra trận là hi sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cựu binh Bảy Hôn kể.

Ông nói tiếp: “Trận đánh vào dinh Độc Lập lúc rạng sáng đó có 8 anh em hi sinh. Số còn lại bị bắt giữ ngay sáng mùng 3 Tết, chỉ duy nhất ông Năm Lai thoát được. Sau ngày giải phóng, anh em còn lại lần lượt qua đời”.

Ông Bảy Hôn thống nhất lấy ngày mùng 1 Tết, để tổ chức lễ giỗ chung cho các đồng chí, đồng đội của mình. Và hàng năm, đó là ngày mà các cựu binh còn sống, cùng con cháu các chiến sĩ của đội 5, nhớ đến và tìm về.

“Xứng danh Anh hùng”

Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nay đã 90 tuổi. Ông từng là nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn.

Đại tá Bảy Sơn từng nói: “Đến nay có người đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có người chưa được vinh dự ấy. Nhưng với tôi, ngày ấy những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn chấp nhận đi vào trận đánh, đã xứng danh là… Anh hùng”.

{keywords}

{keywords}

Hầm chứa vũ khí dùng đánh vào dinh Độc Lập của ông Trần Văn Lai, tức nhà tư sản Mai Hồng Quế, nay là di tích lịch sử cấp quốc gia

Với các cựu binh như: Bảy Hôn, Chín Nghĩa, Đực, Hòa… hễ có dịp ngồi lại với nhau là hàn huyên, ôn lại trận đánh huyền thoại. Trong số 16 chiến sĩ của đội 5, duy nhất bà Chín Nghĩa là nữ.

Theo đó, đúng giờ G, toàn bộ 16 người trên 3 xe ô tô xuất kích từ hầm vũ khí của ông Năm Lai thẳng hướng dinh Độc Lập.

Xe vừa tấp đến dinh Độc lập, cổng đường Nguyễn Du, ông Bảy Hôn ngồi ở xe đi tiên phong dùng súng hạ gục 2 lính gác cổng. 1 chiến sĩ đặt quả nổ phá cổng nhưng… không nổ. 1 quả nổ khác được ném vào rồi ô tô húc vào, nhưng cũng không phá được cổng.

Trên nóc dinh, súng của địch lia xuống. Người đội trưởng chỉ huy đội 5 là Ba Thanh, tức Tô Hoài Thanh dính đạn, hi sinh tại chỗ. 4 chiến sĩ biệt động lọt vào khu vực dinh, chiếm được trận địa bằng B40, nhưng chỉ được khoảng 10 phút, khi lực lượng địch được củng cố đã phản công lại.

Tất cả 7 chiến sĩ hi sinh khi chiến đấu. Lực lượng chi viện không thể vào trung tâm Sài Gòn do đối mặt với địch từ vòng ngoài. Đúng 5h30 sáng mùng 2 Tết, 8 thành viên đội 5 rút vào một cao ốc xây dở ven đường Nguyễn Du. Duy chỉ có ông Năm Lai, do làm nhiệm vụ chuyển quân, khi quay lại trận địa đã gặp phải vòng vây, không thể vào trong.

{keywords}

Trận đánh hào hùng đã đi vào quá khứ gần 50 năm qua, nhưng mỗi lần có dịp gặp nhau, các cựu binh lại ngồi ôn lại với những tâm trạng bùi ngùi, thương tiếc đồng đội

8 người cố thủ trong vòng vây của hàng ngàn quân địch. Thêm 1 đồng chí hi sinh. Rạng sáng mùng 3 Tết, 7 người bám theo đường ống nước đột nhập vào nhà dân, trốn ở căn gác gỗ. Nhưng ngay sáng đó, tất cả đều sa vào tay địch trong 1 cuộc lùng sục quy mô.

Sau này, những thành viên của đội 5 mới biết, các đội khác đánh vào các mục tiêu như: Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu… phần lớn đã hi sinh.

Khi Hiệp định Pari ký kết, những thành viên đội 5 cũng như các chiến sĩ cách mạng kiên trung được di chuyển về các nhà tù ở Sài Gòn hoặc vùng phụ cận để chuẩn bị trao trả. Riêng ông Bảy Hôn đã tổ chức cuộc vượt ngục giai đoạn cuối năm 1973 ở nhà lao Hố Nai, Biên Hòa; số còn lại cũng được trao trả vào năm 1974.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những con người trai trẻ một thời đi vào cuộc chiến Mậu Thân 1968 giờ đã 70 - 80 tuổi, phần lớn đồng đội của họ đã hi sinh hay qua đời lúc thời bình, nhưng những cựu binh như Bảy Hôn, Chín Nghĩa… vẫn nhớ như in trận đánh để đời.

Ông Bảy Hôn tâm niệm “chừng nào còn sống, tôi còn phải tổ chức lễ giỗ cho anh em của tôi”.

Đàm Đệ