Cận Tết, căn nhà rộng chỉ khoảng chục mét vuông nắm sát mé kênh xáng mà bờ còn lại là QL 63 vẫn tuềnh toàng, vật dụng ngổn ngang; nền nhà phủ một lớp nhớt cặn đen xì, trơn trượt.

Ông Thượng – chủ căn nhà ngày, người gầy, da đen xạm, đôi bàn tay chai sần, lấm lem dầu nhớt, giọng rổn rảng đặc sệt nông dân miền Tây, vui vẻ mở chuyện: “Bà con xứ này giờ kêu tôi là ông cứu hỏa không hà”. Hướng mắt ra nơi chiếc xe cứu hỏa độc đáo do chính ông sáng chế, ông Thượng cho biết thêm: “Khi có hỏa hoạn, nó được việc bằng mấy chục người gộp lại”.

{keywords}
Ông Thượng và chiếc xe cứu hỏa độc nhất vô nhị.

Ông kể, từ ngày “đẻ” ra xe chữa cháy hai bánh, số điện thoại cá nhân được công khai theo thân xe nên giờ không riêng gì dân Miệt Thứ (bao gồm các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng, đều thuộc tỉnh Kiên Giang) và khu vực thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nhiều người dân biết và lưu số của ông và xem đó như số của đường dây nóng.

“Xe tự hoán cải có khi nào bị mấy anh CSGT “vịn” vô không?”, tôi hỏi. Ông Thượng cười khà khà: Đi tới đi lui riết mấy ảnh thấy rồi quen luôn, đâu có thổi. Mỗi lần nhận được tin báo cháy, tui bật còi hụ rồi vọt đi. Đến đoạn ngang chợ đông người, mấy anh CSGT còn tuýt còi yêu cầu mấy người khác dạt xe vô mé lộ để cho tui đi được nhanh nữa kìa”.

Ông Thượng là dân Long Xuyên (An Giang). Năm 1999, do làm ăn thất bại, bị nợ ngập đầu, vợ chồng ông dắt díu 4 đứa con thơ về miệt Vĩnh Thuận xa xôi này, chẳng quen biết ai. Chiều cuối năm, thấy người ta chuẩn bị Tết nhứt, mua sắm quần áo mới cho con cái mà hai vợ chồng ông tủi thân vô cùng.

Lững thững bước lên trên cầu Vĩnh Thuận nhìn xuống, ông bất ngờ nhận ra phương tiện vỏ lãi xứ này nhộn nhịp vô kể. Ông bật ra ý tưởng mở tiệm sửa máy. Đi lòng vòng tìm hiểu, ông nhận ra nhiều tiệm thuộc dạng cây đa, cây đề ở đây nhận hàng sửa không kịp. Không tiền, không mặt bằng, ông đánh liều thuê mấy mét vuông đất cạnh bệnh viện cũ trưng bảng sửa máy cũ Vanguard. Được 4-5 tháng thì tiệm ông phải dẹp do khu đất bị giải tỏa. Ông chuyển sang “kiếp thương hồ” – sửa máy lưu động dọc theo kênh rạch. Được khoảng 4 năm, được chủ đất thương tình bán cái nền nhà này với giá rẻ, ông lại lên bờ.

Một ngày đầu năm 2010, ông chứng kiến vụ cháy xảy ra tại chợ xã Vĩnh Tiến, huyện U Minh Thượng. Chẳng bao lâu sau, ông lại chứng kiến thêm vụ cháy chợ ở huyện Vĩnh Thuận. Ngọn lửa hung hãn, người dân không có thiết bị dập lửa hiệu quả, xe chữa cháy chuyên nghiệp thì chưa tới kịp,... nên hậu quả hết sức nặng nề.

Hình ảnh đen nhẻm của hiện trường cháy, người bị bỏng nặng phải đưa đi cấp cứu, người ngất xỉu khi thấy tài sản trong phút chốc thành đống tro tàn cứ mãi ám ảnh ông. Đâu phải lúc nào xe chữa cháy chuyên nghiệp cũng tới kịp và tiếp cận được hiện trường đám cháy; nếu cháy sâu trong ruộng, vùng quê thì sao? Sao không chế xe chữa cháy bằng chính chiếc xe máy? Nửa đêm, ông ngồi bật dậy rồi thức luôn tới sáng với ý tưởng vừa lóe.

{keywords}

Quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình, ông “hy sinh” chiếc Vespa đã gắn bó gần 25 năm làm vật thí nghiệm. Nói dễ nhưng bắt tay vào làm thật chẳng đơn giản. Việc khiến ông phải mất ngủ nhiều nhất chính là trưng dụng động cơ của chiếc Vespa cũ kỹ để hút nước lên nhanh rồi phun ra mạnh, xa nhất. Để có từng con ốc, linh kiện, thiết bị cần thiết, ông đã không biết bao nhiêu lần chạy ngược về An Giang và xuôi xuống Cà Mau để nài nỉ dân cơ khí chiều theo ý của mình. Rất nhiều lần, ông lọ mò về tới nhà là 2-3 giờ sáng. Nhiều người thấy ông mất khá nhiều thời gian, công sức, có khi trắng đêm hì hụi cho chiếc xe dị hợm, nói ông chỉ giỏi làm chuyện... tầm phào. Ông chỉ cười, không nhụt chí.

Ròng rã cả năm trời, ông cũng cho ra được sản phẩm. Ông lắp thêm còi hụ, sơn màu đỏ đặc trưng giống màu sơn của xe chữa cháy chuyên dụng, kẹp thêm chiếc bình chữa cháy mini để phòng chiếc xe mình... bị cháy rồi đem ra mé kênh nổ máy thử. Lý thuyết tưởng ngon nhưng thực tế nước phun yếu xìu, chỉ 5m. Lại thêm lời châm chọc. Ông lại hì hục. Thêm mấy đêm trắng khắc phục nhược điểm này, tăng khả năng phun lên gấp 5 lần.

Để cho tôi chứng kiến tận mắt, ông Thượng cho vận hành xe chữa cháy. Từ bên này kênh, con trai ông cầm vòi chủ động phun tập trung vào một điểm cháy giả định bên kia bờ kênh. “Gần nửa đêm, khi đó, chiếc xe của tui còn chưa được ráp đầy đủ tất cả các con ốc, linh kiện vào thì có người trực tiếp chạy tới kiếm tui báo nhà trong chợ bị cháy. Nghe vậy, tui chỉ còn kịp ôm cuộn dây dồn vào rọ sau đuôi xe rồi lao đi. Hơn 1 tiếng đồng hồ phun nước quyết liệt, con xe của tui đã chiến thắng bà hỏa” – ông Thượng kể tiếp chuyện dang dở.

Để chiếc xe độc đáo này vừa hiệu quả vừa có tính thẩm mỹ, từ kinh nghiệm trong quá trình chế tạo chiếc thứ nhất, ông bắt tay làm chiếc thứ hai. Ông lại chạy đi tìm mua chiếc Vespa cũ về tui chỉnh. Sao lại cứ phải Vespa? “Hồi mấy năm trước còn khổ dữ lắm, tui đang chạy Vespa thì lấy xe đó mà chế. Mà phải xe tay ga mới được bởi máy nó tự giải nhiệt; còn xe khác (dạng Wave, Dream) thì phải di chuyển nó mới đón gió, làm mát” – ông Thượng giải thích.

Chiếc xe này được đưa đi trưng bày hội chợ được 3 lần, từng được bọn tuổi teen chụp đưa lên facebook với status “xe độ không... đụng hàng”. Từ khi ra đời (2010) đến giờ, chiếc xe “cứu hỏa tự chế Cao Thượng” đã “đánh” hơn chục trận, trong đó có lần chữa cháy rừng. “Tốn tiền, tốn sức mới có được chiếc xe như thế, vậy thù lao sau mỗi lần chữa cháy thế nào?” – tôi hỏi. “Hỏa hoạn đâu ai muốn. Tui làm được xe để giúp người bị nạn không bị thiệt hại nhiều là mừng rồi, chẳng đòi ai trả tiền nong gì” – ông bộc bạch.

Có lần đi Cà Mau đặt làm mấy con ốc, mới sắp vô trung tâm thì thấy trước mặt có chiếc xe bị cháy, khói mù mịt nên ông chạy nhanh lại mép nước, thả vòi xuống lấy nước rồi phun mạnh về chiếc xe đang bị cháy. “Mình phải bắt chước Công an chữa cháy chuyên nghiệp chứ. Không tư thế sẵn sàng, sao kịp!” – người đàn ông mới học tới lớp 3, cố sống tử tế như chính cái tên cha mẹ mơ ước, đặt cho mình, chia sẻ.

Chứng kiến nhiều nông dân bị ngộ độc khi phun thuốc sâu bằng thủ công, tốn kém nhưng lại chậm chạp, ông Thượng đã chế ra phương tiện phun thuốc sâu đa năng (gồm thêm chức năng khác như sạ lúa, bón phân, cắt gốc rạ, thu gom rác). Đến Tết này, ông làm được cả trăm chiếc, trong đó “xuất” sang Lào, Campuchia được 6 chiếc.

Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen, công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”. Ông còn vừa chế tạo thành công máy đánh đường nước, thoát nước, thoát phèn, làm được đi sạ, bón phân, phun thuốc không làm lúa ngã đổ...

(Theo CAND Xuân Bính Thân 2016)