- Hai năm trong tù, Yến thừa nhận cảm giác sợ hãi còn nguyên vẹn như ngày thấy cô bạn ngã xuống: “Cháu sợ sự tĩnh lặng vì khi ấy cứ có cảm giác bạn ấy đang nhìn cháu giận dữ”.

Chỉ vì xích mích ở chỗ học thêm, Yến đã nhờ người đến đánh, dẫn đến cái chết của cô bạn khi mới 14 tuổi. Hai năm trong trại giam, Yến vẫn không thể lý giải nổi taok sao lúc đó mình tại hành động bồng bột như thế.

Trò chuyện với chúng tôi về cái lần đánh nhau ấy, Nguyễn Thị Yến, 16 tuổi, trú tại Cẩm Văn, Cẩm Giàng (Hải Dương) bưng mặt khóc thút thít. Cảm giác sợ hãi còn nguyên vẹn như ngày thấy cô bạn chết, Yến thừa nhận đến bây giờ vẫn chưa thể quên được những giây phút hãi hùng đó.

Nhờ người đánh bạn vì sợ bị đuổi học

Theo hồ sơ vụ án, do mâu thuẫn cá nhân giữa Yến và nhóm bạn với Đào Thị Linh, cùng học sinh lớp 9 nhưng khác trường nên Yến đã bàn với Vũ Thị Dịu là bạn học cùng lớp đánh dằn mặt Linh. Vì sợ đánh nhau bị đuổi học nên Dịu bảo Yến nhờ người đánh hộ.

{keywords}

Phạm nhân Nguyễn Thị Yến

Trong xóm có Bùi Thị Thu Hoài, cùng tuổi nhưng đã nghỉ học, Dịu và Yến liền tới nhà Hoài, nhờ đánh Linh hộ mình. Được Hoài nhận lời, Yến hẹn Linh gặp nhau ở đền Bia, thuộc địa phận xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng để giải quyết mâu thuẫn.

Khoảng 13h ngày 14/10/2013, Dịu và Yến đi xe máy đến nhà Hoài, kể lại việc đã hẹn gặp Linh. Hoài thỏa thuận sẽ để Yến và Dịu vào đánh trước, sau đó Hoài sẽ lấy danh nghĩa là chị họ của Yến, vào đánh tiếp. Bàn xong, cả ba đèo nhau ra điểm hẹn. Tới đền Bia, thấy một nhóm học sinh đang đứng, Hoài tiến đến hỏi: “Ai là Linh?”. Linh bước ra đáp: “Là em”. Hoài liền hỏi: “Sao mày đánh em tao”. Linh đáp: “Em có đánh ai đâu ạ”.

Không để Linh kịp nói thêm câu nào, Hoài xô tới tát Linh hai cái, sau đó rút chiếc guốc đang đi, đập tới tấp vào mặt, đầu, gáy cô bé. Linh ngã xuống đất, tay chân co giật. Thấy vậy, những cô bạn đi cùng vội vàng chở Linh vào bệnh viện huyện nhưng chiều hôm đó, cô gái này đã tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Đào Thị Linh là do xuất huyết não.

Với hành vi này, Hoài, Dịu và Yến bị truy tố về tội giết người. Hoài bị kết án 9 năm tù còn Dịu và Yến đều chung mức án 6 năm tù. Ngoài ra cả ba thiếu nữ này còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 100 triệu đồng. Riêng Yến phải bồi thường cho bố mẹ Linh 31 triệu đồng.

Hỏi Yến mức án như thế là nặng hay nhẹ, cô ấm ức: “Tại sao cháu phải bồi thường nhiều tiền thế trong khi chỉ có mình Hoài đánh bạn ấy”.

Tôi liền bảo: “Thế thì chắc Dịu cũng thắc mắc như cháu nhỉ. Nhưng nếu không vì cháu và Dịu nhờ thì Hoài chẳng đánh Linh làm gì”. Cô im lặng.

Có thể Yến nghĩ rằng ai làm người đó chịu, nhưng lại quên mất rằng chính Yến đã nhờ Hoài giúp mình. Yến không hiểu rằng chính sự bàn bạc trước khi đánh người của Hoài, Yến và Dịu đã khiến cả ba cùng vướng vòng lao lý.

"Nhớ lúc bạn ấy ngã xuống..."

Yến là con gái út trong gia đình có 2 anh em. Bố đi lao động ở nước ngoài, anh trai đi bộ đội, ở nhà chỉ có hai mẹ con nên Yến được chiều chuộng.

So với các cô gái ở nông thôn, Yến được mẹ đầu tư cho nhiều thứ dù vẫn đang là học sinh. Chẳng biết có phải vì thế mà cô trở nên đỏng đảnh và ích kỷ. Yến bảo ở lớp học thêm, chỉ có Linh là không trò chuyện với Yến. Linh trắng trẻo, học giỏi và đó chính là điều khiến Yến khó chịu.

“Bạn ý học giỏi thì đó là việc của bạn ý nhưng cái thái độ khinh khỉnh thì cháu không chịu nổi”, Yến kể. Hỏi Yến rằng Linh đã làm điều gì khiến cô tổn thương chưa, Yến lắc đầu: “Thi thoảng nhìn trộm bạn ý, cháu thấy bạn ý có vẻ coi thường cháu”.

Sự đố kỵ đã dẫn đến hiểu lầm và sự ích kỷ trẻ con đã đẩy Yến vào con đường phạm tội khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hỏi Yến nhớ gì hôm đánh Linh, cô hốt hoảng: “Cháu nhớ lúc bạn ấy ngã xuống đất, chân tay co giật”.

Phạm tội ở tuổi vị thành niên nên khi về trại giam Hoàng Tiến cải tạo, thời gian đầu Yến được làm những công việc nhẹ như nhổ cỏ, quét dọn và học nghề. Sau nghề thêu, đính hạt cườm, làm hàng mã, cuối cùng Yến trụ lại với nghề may ở phân trại số 2.

Tính đến nay, Yến đã ăn cơm trại giam được 2 năm và vẫn đang trong thời gian học nghề, chưa phải tính định mức như các phạm nhân khác.

{keywords}

Một góc phân xưởng may ở phân trại nữ.

Hỏi về gia đình, Yến bảo tháng nào mẹ cũng vào thăm. Quà chủ yếu là kẹo, bánh và ít hoa quả chua mà cô thích.

Những khi mẹ con găp nhau, Yến thường kể cho mẹ nghe về cuộc sống của mình trong trại rồi vòi vĩnh đòi mẹ mua cho cái này cái kia, thậm chí là cả những bộ quần áo thời trang. Tôi bảo Yến: “Mặc trong này ai ngắm”, cô nói: “Trong này mọi người đều mặc mà, chỉ mỗi cái là quần áo dân sự mang vào bị đóng dấu trại”.

“Mẹ cháu làm nghề bán bảo hiểm, thời gian rỗi cũng nhiều nên có thể đi mua quần áo cho cháu được”, Yến kể.

Hỏi Yến có thương mẹ không, sao lại đòi mẹ mua nhiều thế, cô gật đầu.

Sợ sự tĩnh lặng

Đang tuổi mới lớn, được gia đình chiều chuộng, vào trong này phải ăn ngủ theo quy định, Yến cảm thấy khó chịu. Cô bảo nếu bây giờ được về nhà vài ngày, việc đầu tiên Yến sẽ làm là ngủ rồi sau đó “đến nhà các bạn”. Hỏi về dự định sau này, cô vô tư: “Còn mấy năm nữa cơ mà, nghĩ làm gì sớm hả cô”.

Dáng người nhỏ thó, nước da đen khỏe mạnh, những câu trả lời hồn nhiên của Yến khiến chúng tôi nhói lòng. Sự nuông chiều đã khiến cô chỉ biết đến bản thân mình hay bởi đang ở cái tuổi vô lo, vô nghĩ?

Ở tuổi Yến, giờ này các bạn đang say mê học hành, chuẩn bị cho một năm cuối cùng của tuổi học trò để chuyển sang một giai đoạn quan trọng khác của đời người thì cô lại ngồi đây, trả giá cho hành vi dại dột của mình.

Sau những câu trả lời rất trẻ con và vô tâm, cô đã rơi nước mắt khi nhắc đến cô gái bị đánh chết. Gần 2 năm trôi qua, cái chết của bạn luôn ám ảnh Yến. Cô rất sợ, nhất là những khi ngồi một mình bởi: “Cháu sợ sự tĩnh lặng vì khi ấy cứ có cảm giác bạn ấy đang nhìn cháu giận dữ”.

Thế nhưng khi chúng tôi bảo Yến sau này nên đến nhà bạn ý xin lỗi thì cô xua tay quầy quậy: “Cháu không dám đâu, mẹ cháu làm việc này hộ cháu rồi”.

Gia Hân - Linh Chi