- 3 tháng nay, cứ đêm đến là lúc ngõ 196 xóm Đỗi, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội rộn ràng, nhà nhà cùng nhau túc trực hóng từng giọt nước để bơm. Nhưng có những lúc họ không hứng được dù chỉ một giọt.

Đêm qua 30/9 lại là một "ngày khô hạn" với người dân xóm Đỗi. Lại đi canh nước lúc nửa đêm, anh Thưởng, một người dân ở khu này kể, từ lúc mất nước, gia đình mình không có một bữa cơm nấu tại nhà mà đều phải đi ăn cơm bụi. Lý do đơn giản vì nhà không còn một giọt nước nào.

Thậm chí, cứ khoảng 2-3 ngày, anh cùng vợ và con trai lại phải gom quần áo sang nhà người thân tại Mỹ Đình để tắm giặt nhờ.

XEM CLIP:

Giống như gia đình anh Thưởng, kể từ khi mất nước, mỗi hộ dân trong xóm đều phải sắm cho mình một chiếc máy bơm nước để canh. Dẫu vậy, việc để có những xô nước dùng với các hộ là một điều hiếm hoi.

Lạch cạch bên chiếc máy bơm nước tại tầng 1, anh Nguyễn Văn Thuận cho biết, nhà có 5 người nên mất nước là một vấn đề cực kỳ khó khăn do nhu cầu sử dụng lớn. Ngoài "đi xin nước" tại khu vực lân cận, anh thậm chí còn phải mua những bình nước uống dùng cho sinh hoạt.

{keywords}
Mỗi hộ gia đình đều chuẩn bị 1 máy bơm nước

Để phục vụ cho "cuộc chiến" trực bơm nước này, anh Thuận sắm một chiếc phản đặt ngay cạnh bể chứa nước để nằm canh cho tiện. Chiếc bàn ăn đặt cạnh đây bị giải tán ra chỗ khác ưu tiên cho việc canh trực nước.

"Ban ngày tôi đi làm, tối lại về trực bơm nước, cứ 1 tiếng dậy 1 lần để kiểm tra. Tuy vậy có đêm cũng chả có một giọt nước nào. Thế là mất cả một đêm. Chúng tôi đang cảm thấy thực sự bức xúc", anh Thuận nói.

Hàng xóm nhà anh Thuận là vợ chồng anh Bùi Văn Thắng cũng tất tả bật máy bơm nước để kiểm tra. Tiếng máy chạy rè rè một hồi nhưng không thấy nước về. Quá thất vọng, vợ chồng anh Thắng thốt lên đầy chán nản: "Bơm nước cũng chỉ nhỏ giọt, có khi còn không có cả ngày lẫn đêm, tất cả các hộ dân đều khô hạn như sa mạc".

{keywords}

Nước không có vẫn thu tiền

Điều nực cười là trong khi nước không hứng nổi một giọt nhưng nhân viên thu tiền nước vẫn có mặt để thu tiền.

Anh Giang Nguyên Đệ tính nhẩm, từ khi mất nước, anh thức đêm đến 3-4h sáng để trực nhưng vẫn không có nước. Như thế, coi như tiền điện thành gấp 2-3 lần mà nước vẫn không có đủ để dùng.

{keywords}
Để có được một thùng nước là điều khó khăn

3 tháng mòn mỏi chờ nước, chưa một lần người dân xóm Đỗi nhận được sự hỗ trợ như một xe téc nước hay một lịch cấp nước cụ thể. Thậm chí cũng không có đại diện nào của xã xuống xem tình hình người dân ra sao.

Quá bức xúc, các hộ dân gửi đơn lên HTX và UBND xã Tân Triều, song đến nay họ vẫn không nhận được một lời hồi âm. Một người dân cho biết, khi các hộ lên hỏi HTX thì nhận được câu trả lời "giờ không có cách nào cả".

"Người đại diện HTX còn nói, các ông xem lại hợp đồng nước là xem có điều khoản nào bọn tôi phải cung cấp đầy đủ nước cho các ông không?", người dân này kể lại.

Anh Đệ cho hay, bà con đã kiến nghị đến HTX nhiều lần song nguyên nhân chưa có nước được giải thích là "nó bị thế nọ bị thế kia, rồi ống nước sông Đà bị vỡ".

"Thực tế từ trước tới nay chúng tôi chưa có giọt nước sông Đà nào. Nước chúng tôi dùng hiện nay không phải là nước sạch", anh Đệ nói.

{keywords}
Bếp ăn ít được sử dụng do thiếu nước

Bài ca chờ nước sông Đà

Theo phản ánh của người dân xóm Đỗi, nguồn nước sử dụng của người dân hiện nay là nguồn nước của HTX tự khai thác chứ không phải nước sạch sông Đà. Điều trớ trêu người dân sống ở ngay xóm bên cạnh được dùng nước sạch sông Đà. Còn chất lượng nước dùng của người dân ở xóm Đỗi từ nguồn cấp của HTX thì "đen sì'.

{keywords}

Nhiều người dân cho hay bản thân các hộ cũng muốn đấu nối dùng nước sạch tuy nhiên HTX lại không cho đấu nối mà muốn tự kinh doanh.

"Nếu được dùng nước sông Đà thì quá tuyệt vời rồi", một người dân xóm Đỗi thốt lên.

Trước thông tin giá nước sẽ tăng bắt đầu từ hôm nay (1/10), nhiều người dân bày tỏ việc tăng giá hay không không quan trọng, quan trọng bây giờ phải có nước dùng.

"Nước tăng nhưng phải đảm bảo đủ an toàn vệ sinh chứ đừng có lấy nước giếng khoan lên cho chúng tôi dùng, chúng tôi không chấp nhận". Các hộ dân cũng đề nghị những người có thẩm quyền phải có trách nhiệm và làm cách nào đó để cung cấp nước sớm nhất cho bà con.

Hồng Nhì - Nhị Tiến