- Những đứa trẻ chỉ hắt hơi thôi cũng gãy xương, 7-8 năm nằm yên một chỗ nay có thể nhào lộn như rái cá dưới nước khiến ai cũng cảm phục.

>> Bài 1: Sinh con bệnh hiểm nghèo, mẹ hoảng sợ đi biệt xứ

Nghe nhiều về bệnh xương thủy tinh và hiểu về mức độ nghiêm trọng của bệnh, thế nhưng 25 đứa trẻ mắc bệnh xương thủy tinh đang được chăm sóc tại Trung tâm Kim cương tươi đẹp (quận 12, TP.HCM) đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng.

XEM VIDEO:

Các cháu ở đây nhỏ nhất mới chỉ 5 tuổi, lớn nhất 16 - 17 tuổi, đến từ mọi miền đất nước. Điểm khác biệt nhất so với các trẻ bị khuyết tật khác là các cháu không hề tự ti, mặc cảm, rất lễ phép và kỷ luật.

Điều dưỡng Trần Thị Tơ chỉ cho chúng tôi bé nhỏ tuổi nhất tên Hoài Thương, quê Bến Tre. Chị Tơ không giấu nổi nghẹn ngào: “Khi mới đến đây, chúng tôi còn không dám bế cháu. Đụng nhẹ thôi cháu cũng có thể bị gãy xương rồi".

Trước mặt chúng tôi là hình hài bé nhỏ như chỉ mới lên 2, thế nhưng giọng nói lại rõ ràng, lanh lẹ, Hoài Thương khoe: “Con tự ngồi được rồi cô ạ. Ngày xưa con chỉ nằm được thôi, còn không trở mình và ngóc đầu nổi".

Xung quanh Hoài Thương được chêm gối. Dù chưa thể đi lại nhưng sau 2 năm điều trị, sức khỏe của Thương đã tiến quá xa.

{keywords}

Các bé bị xương thủy tinh tập vật lý trị liệu

Điều dưỡng Tơ chia sẻ, tại trung tâm, các bé được ăn uống, tập vật lý trị liệu, phối hợp với Viện Y dược học TP.HCM kê toa, điều trị.

Khi tới giờ tập yoga, các bé tự giác tìm đúng vị trí của mình. Bé nào đi được thì đi, bé không đi được thì bò, lết. Nhìn xương tay chân các bé mảnh khảnh, mong manh, ai cũng xót xa để rồi thốt lên thán phục khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ yếu ớt tập liền 21 động tác yoga được thiết kế riêng.

Tập bơi trước khi tập đi

Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Trung tâm Kim cương tươi đẹp cho biết, bơi lội là một phương pháp tập luyện vô cùng hữu hiệu với các bệnh nhi xương thủy tinh.

“Cách dạy các cháu bơi cũng khác bình thường. Đầu tiên chúng tôi cho các bé làm quen để không sợ nước. Tiếp đến là tập nổi. Khi nổi được, các bé tự tìm ra kiểu bơi phù hợp cho riêng mình.

Bị bệnh này mà không vận động kể như chấm hết, nhưng vận động mạnh lại dễ gãy xương. Từ đó chúng tôi nảy sinh ý tưởng dạy các bé bơi. Khi ở dưới nước cơ thể được nâng đỡ, các bé tự tin hơn rất nhiều”, ông Hưng bật mí.

{keywords}
Khi ở dưới nước, các bé tự tin hơn rất nhiều

Dù thế, hành trình tập bơi của những đưa trẻ bị xương thủy tinh chẳng hề đơn giản. Bé nào nhanh, sau 1 tháng đã bơi được, nhưng có bé phải mất tới 5 năm.

Ông Hưng chỉ vào cậu bé đang ngụp lặn với một tay giữa làn nước, nói: “Kia là bé Đức Thắng, nhà ở Đồng Nai. Thắng năm nay 13 tuổi, xương tay, chân bị cong hết. Lúc tới trung tâm, Thắng nằm trên một tấm ván, không cử động được. Kiên trì suốt 3 năm, bây giờ bé đã bơi được dù chỉ cử động được một cánh tay".

Nặng hơn nữa là bé Gia Bảo, 10 tuổi, quê Vĩnh Long. Chân tay cậu bé nhỏ xíu, sau 5 năm chiến đấu với bệnh tật, giờ đây, ở dưới nước Bảo lại có thể ngụp lặn rất tự tin.

Để chứng minh mình biết bơi, bé Lâm Kim Dung, 7 tuổi, quê Bình Dương đã nhào lộn qua tận bên kia bể.

{keywords}

Không thể cử động, nhưng em bé này vẫn tin một ngày nào đó mình sẽ bơi được

Bé Hoài Thương dù chưa thể cử động nhiều nhưng ngày nào cũng được các cô điều dưỡng bế nằm nổi trên mặt nước. Thương nói, đầy hi vọng: “Một ngày nào đó con cũng biết bơi cô nhỉ!”.

Trung tâm Kim cương tươi đẹp có 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên. Có điều dưỡng mới ngoài 20 tuổi nhưng gắn bó ở đây từ khi ra trường bởi lòng thương cảm, tình yêu với những đứa trẻ bất hạnh.

Nữ điều dưỡng Phạm Thị Hoài Vy (sinh năm 1992) mỉm cười khi nói về các em: “Các bé tự giác chăm sóc bản thân, bé nào không tự làm được thì các cô mới hỗ trợ. Điều làm em trăn trở nhất là phải chứng kiến các bé chẳng may bị gãy xương, thương lắm! Tụi em cũng tự biết cách thoa thuốc, làm nẹp xương cho các bé rồi”.

{keywords}
Nghị lực phi thường của các em bé này khiến mọi người phải cảm phục

Tại đây, những đứa trẻ xương thủy tinh không chỉ được chăm sóc, điều trị, mà khi bệnh đỡ hơn còn được đến trường.

“Có những cháu khi đi học được rồi nhưng không muốn về nhà vì gia đình quá khó khăn nên giả bộ đau để tránh tập luyện. Tôi phải động viên các cháu cố gắng điều trị, khi nào đi lại được rồi bác sẽ tìm cách giúp đỡ sau”, ông Hưng trăn trở.

Hình ảnh các bé xương thủy tinh tự tin bơi lội dưới nước:

{keywords}

Các bé háo hức khi được bơi

{keywords}

Chỉ cử động được một tay nhưng cậu bé bơi rất cừ

{keywords}

Phải mất 5 năm cậu bé này mới bơi được

{keywords}

Cô bé không nhớ nổi số lần gãy xương của mình đang biểu diễn bơi ngửa

Thanh Huyền - Như Sỹ (còn nữa)