- Trận mưa lớn đêm ngày 1 và sáng 2/8 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn TP Uông Bí (Quảng Ninh) bị ngập sâu trong nước. 2 xe thiết giáp đã được huy động để di dân đến nơi an toàn.

Mưa lũ lịch sử: Phá đập cứu 500 hộ dân bị ngập

Do mưa lớn kéo dài, sáng 2/8, 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bị ngập sâu trong nước.

Sáng 2/8, hơn 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố bị ngập sâu trong nước. Nhiều điểm xung quanh hồ Công viên ở phường Quang Trung ngập nặng. 

{keywords}
Ngập nặng xung quanh hồ Công viên phường Quang Trung (Ảnh: Nhan Coffee/Otofun)
{keywords}
Ảnh: báo Quảng Ninh
{keywords}
TP Uông Bí dưới biển nước (Ảnh: Nhan Coffee/Otofun)
 
{keywords}
(Ảnh: Quang Minh)

Các con đường xung quanh hồ chìm trong nước. Lực lượng chức năng phải sử dụng xe cơ giới để phá đập tràn cầu Sông Sinh để xả nước.

{keywords}
Cận cảnh phá đập Sông Sinh (Ảnh: Quang Minh)

Cũng do mưa lớn kéo dài, lũ tràn cao qua các đập, ngầm ở xã Thượng Yên Công làm giao thông ở đây bị chia cắt, một số hộ dân bị cô lập các lực lượng đã được huy động bố trí tại các khu vực nguy hiểm.

16h25, trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đi kiểm tra tình hình mưa lũ ở TP.Uống Bí cho biết, hiện đã kiểm soát được tình hình ngập lụt trên địa bàn này.

Thời tiết ở Uông Bí hiện còn mưa nhỏ và nước đã rút dần nên tình trạng chia cắt trên địa bàn đã không còn. Xã Thượng Yên Công cũng không còn bị cô lập.

Đặc biệt, 500 hộ dân ở ven các hồ điều hòa, khi mưa to nước dâng ngập đến tầng 1 và phải di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, theo tình hình hiện nay, ông Hậu cho biết, nước ở các khu vực đó cũng đã rút xuống.

{keywords}
500 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước - (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

Ông Hậu cho biết thêm, hiện TP đang huy động phương tiện tiến hành nạo vét các đập tràn, dùng máy xúc mở các đường thoát nước mới, các lực lượng chức năng lập các chốt barie để ngăn không cho người dân đi qua các đập tràn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư.

Ông Hậu nói rõ, các tuyến đường ở Uông Bí, Đông Triều bị sạt lở sẽ huy động các lực lượng đưa xe chuyên dụng đến để thông đường. Bố trí người túc trực ở những khu vực nước sâu ngăn không cho người dân đi qua. Đối với những khu vực dân ở gần sông suối thì tổ chức di dân đến vùng an toàn.

{keywords}

{keywords}
Nhiều hộ dân thuộc khu 2, phường Quang Trung bị ngập, lụt. (Ảnh: Quang Minh)

Anh Lê Văn Chinh, một người dân sống ở TP Uông Bí cho biết, hiện trên địa bàn vẫn có mưa vừa, mưa to và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Nhà của anh cũng bị ngập sâu trong nước, các vật dụng trong nhà là đồ điện tử (quạt, tivi...) cũng đã bị ngập nước.

{keywords}

Một đoạn đường từ phường Vàng Danh và xã Thượng Yên Công bị sạt, lở gây ách tắc giao thông. (Ảnh: Quang Minh)

{keywords}

Xã Thượng Yên Công bị cô lập trong đợt mưa ngày 2/8 (Ảnh: Quang Minh)

{keywords}
Ngập lụt tại phường Vàng Danh, TP Uông Bí - (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Trước tình hình mưa lũ tại Uông Bí, sáng 2/8, Lữ đoàn 147 Hải quân đã điều động 2 xe thiết giáp lội nước cùng 20 cán bộ, chiến sĩ và phương tiện phòng chống lụt bão đến TP để giúp dân di chuyển đến khu vực an toàn.

Đến 14h00 cùng ngày đã phối hợp giúp di chuyển 20 hộ dân (khoảng 70 người) ra khỏi nơi lũ quét ở phường Thanh Sơn.

{keywords}

{keywords}
Lực lượng cứu hộ TP phối hợp với Lữ đoàn 147 Hải Quân Quảng Ninh sơ tán dân tại vùng ngập lụt - (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

Theo thống kê nhanh, mưa lũ đã gây nên thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng cho TP Uông Bí. Trong đó: ngập 465 ha hoa màu, thiệt hại ước tính 18 tỷ đồng; diện tích nuôi trồng thủy sản ngập lụt 176 ha, ước tính thiệt hại 14 tỷ đồng; thiệt hại nhà cửa, cơ sở vật chất ước khoảng 5 tỷ đồng. 

Về hạ tầng, thiệt hại trên tuyến đường vào Yên Tử và Thượng Yên Công – Vàng Danh, các tuyến đường chuyên dùng, các đập, ngầm tràn, các công trình thủy lợi ước 17 tỷ đồng. Thiệt hại ngành than, điện, viễn thông 6 tỷ đồng.

Để xảy ra chết người, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Sáng 2/8 đến nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc vừa có chỉ đạo yêu cầu các địa phương kiểm tra di dân khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Địa phương nào để xảy ra người dân bị chết do mưa lụt đợt này thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương trực tiếp rà soát, chỉ đạo di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không di dời khỏi nơi nguy hiểm, không cho người dân quay về chỗ ở cũ khi còn mưa và nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. 

Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về y tế, lương thực thực phẩm, nước uống và quần áo cho người dân các nơi sơ tán và vùng bị ngập lụt.

(Theo báo Quảng Ninh)

N.Trang - Đức Bảo