- Đến nay một số điểm tại Quảng Ninh đã mưa trên 1.500mm, gấp đôi giá trị lịch sử từng ghi nhận trước đó tại địa phương này và vượt qua cả trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008.

Phá vỡ hàng loạt kỷ lục

Đây là nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều 29/7.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV cho biết, đến nay tổng lượng mưa đo được tại một số điểm ở Quảng Ninh từ 23-29/7 đã vượt quá 1.500 mm. Trong đó chỉ tính riêng 4 ngày từ 26-29/7, lượng mưa tại nhiều nơi đã xấp xỉ 1.000 mm như Cô Tô 983 mm; Cửa Ông 982 mm, Móng Cái 899 mm...

{keywords}
Mưa lớn tại Quảng Ninh đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục, là trận mưa lớn nhất trong vòng 55 qua. Ảnh: Đ.Tùng

Theo đánh giá, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 55 năm qua, phá vỡ hàng loạt kỷ lục.

Nguyên nhân gây mưa do rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp gần như nằm trọn trên Vịnh Bắc Bộ nên mưa chủ yếu trên biển và một phần đất liền giáp biển, trong đó Cẩm Phả và Hạ Long là 2 thành phố chịu tác động lớn nhất.

Ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết thêm, hình thái gây mưa như trên mỗi năm vẫn xuất hiện 1-2 lần, nhưng mưa lớn như vừa qua tại Quảng Ninh là điều chưa từng thấy.

{keywords}
Ông Bùi Minh Tăng (phải)

Theo ông Tăng, Quảng Ninh từng xảy ra 2 đợt mưa kỷ lục vào năm 1978 và 1986, tuy nhiên tổng lượng mưa chỉ 300-600 mm. Mưa vừa qua tại Quảng Ninh đã gấp đôi giá trị lịch sử.

Năm 2008, Hà Nội cũng chỉ mưa 300-800 mm mà đã ngập gần 10 ngày, giờ Quảng Ninh mưa đến hơn 1.000 mmm thì dữ dội hơn nữa", ông Tăng dẫn chứng.

Khó cảnh báo sớm

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có khả năng dự báo sớm hơn những diễn biến bất thường nói trên, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc Gia cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới hiện chỉ cảnh báo được lượng mưa phổ biến, chứ không thể cảnh báo lượng mưa cực đoan, bất thường lên tới cả hơn 1.000 mm.

"Với hình thế mưa như vậy, trong vài ba ngày tới, chúng tôi sẽ có gắng dự báo sớm nhất trước 12 tiếng, chậm nhất là 6 tiếng những điểm có khả năng xảy ra mưa lớn", ông Hải thông tin.

Theo ông Hoàng Đức Cường, để có thể đưa ra được những cảnh báo sớm cho những ngày sắp tới, trung tâm đã phải tổng hợp đánh giá của những chuyên gia khí tượng hàng đầu cả nước.

Theo đó, các chuyên gia nhận định, từ 29-31/7, mưa lớn sẽ mở rộng thêm khu vực các tỉnh phía Tây Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Đáng lưu ý, từ đêm 31/7-3/8, vùng áp thấp sẽ dịch chuyển sâu vào đất liền, gây mưa to, rất to ở khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và và vùng núi Trung du phía Bắc, đặc biệt ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Khi đó hầu khắp Bắc Bộ sẽ có mưa to, lan xuống cả Bắc Trung Bộ. Lượng mưa lớn nhất có thể đạt 200-300mm/ngày.

Theo ông Cường, mưa lớn kéo dài có thể gây nguy cơ lũ chồng lũ và sạt lở đất nghiêm trọng do hiện tại lớp đất đá đã bão hòa nước, khi đó sạt lở không chỉ xảy ra tại Quảng Ninh mà sẽ mở rộng toàn bộ vùng núi phía Bắc.

Sẽ gửi tin nhắn cảnh báo

Ông Lê Thanh Hải cho biết, sau trận siêu dông tại Hà Nội hồi tháng 6 vừa qua, các cán bộ trung tâm dự báo và Bộ TN&MT đã cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất bản thỏa thuận với Bộ TT&TT cơ chế cung cấp thông tin cho người dân.

Sau ký kết, thay vì chỉ thông báo trên website của trung tâm dự báo, người dân sẽ nhận được cảnh báo những hiện tượng thời tiết cực đoan qua tin nhắn SMS để chủ động phòng tránh.

Thúy Hạnh