- Để đạt được xã chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều xã của Thanh Hóa đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu sớm để cán đích trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi đã đạt chuẩn NTM các xã này lại phải gánh một khoản nợ “khổng lồ” lên tới cả chục tỷ đồng.

 Để đạt được chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều xã của Thanh Hóa đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu sớm để cán đích trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi đã đạt chuẩn NTM, lại phải gánh một khoản nợ “khổng lồ”, lên tới cả chục tỷ đồng.

Nợ đầm đìa

Những địa phương mà PV VietNamNet đã nêu trong 2 bài trước, đều thừa nhận rằng xây dựng NTM là một 'cuộc cách mạng'. Người người, nhà nhà cùng tham gia và đã đạt được kết quả rất tốt. Người dân có đường bê tông đi, kênh mương nội đồng thuận lợi, điện, đường, trường, trạm khang trang… đó là những gì mà người dân được trực tiêp hưởng lợi.

Tuy nhiên, song song với việc đó, các xã cán đích NTM lại đang nợ đọng rất nhiều. Theo tìm hiểu của VietNamNet, xã Nga An (huyện Nga Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 12/2013, đến nay xã này đang còn nợ gần 20 tỷ đồng tiền xây dựng công trình cơ bản.

Trong đó, tiền xây dựng trụ sở UBND xã hơn 4 tỷ, khuôn viên cũng ngót nghét 1 tỷ; nhà truyền thống, bia tưởng niệm hơn 4 tỷ; đường giao thông nội đồng hơn 6 tỷ…

{keywords}
Công sở xã Nga An rất hoành tráng, nhưng đường sau đó là khoản nợ khổng lồ

Không chỉ nợ nhà thầu, xã Nga An còn nợ cả tiền xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Mai Văn Phương (trưởng thôn 7) cho biết, để đạt được xã chuẩn NTM, các thôn ở xã Nga An huy động sức dân, đóng góp để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Như thôn của ông xây nhà văn hóa hết hơn 1 tỷ đồng. Cả thôn có 146 hộ dân, 586 nhân khẩu, đóng góp theo đầu người. Theo đó, xã kích cầu cho thôn 130 triệu đồng. Tuy nhiên đến khi xây xong nhà văn hóa, đến nay xã vẫn đang còn nợ thôn 50 triệu đồng để trả cho nhà thầu.

Cũng như xã Nga An, xã Quý Lộc (huyện Yên Định) cán đích vượt chỉ tiêu trước năm 2013, đến nay xã này cũng đang nợ xây dựng cơ bản gần 20 tỷ đồng như: nợ công sở hơn 5 tỷ; trường tiểu học và THCS gần 7 tỷ; trường mầm non 5 tỷ…

Điều đáng nói, từ khi hoàn thành xã NTM đến nay, ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư xã Quý Lộc liên tục bị nhà thầu gọi điện đòi tiền, ông cũng chỉ biết chia sẻ với nhà thầu rằng “thông cảm cho xã”.

Ông Thịnh phân trần, để kích cầu cho việc nhanh chóng hoàn thành xã đạt chuẩn NTM, huyện có cơ chế chính sách cho xã cứ đạt được 13 tiêu chí huyện hỗ trợ 1 tỷ; 16 tiêu chí thêm 1 tỷ và 19 tiêu chí thêm 1 tỷ nữa. Tuy nhiên, đến nay khi hoàn thành 19 tiêu chí thì huyện lại nợ xã 1 tỷ.

10 năm chưa trả hết nợ

Khi hỏi về việc sẽ hoàn trả số nợ trên như thế nào, hầu hết lãnh đạo các xã đạt chuẩn NTM đều tỏ ra ngán ngẩm, vì họ bảo 'lỡ chạy đua theo phong trào giờ nai lưng trả nợ mới thấy khổ'.

Ông Mai Văn Yên, Phó chủ tịch xã Nga An nói sẽ phấn đấu trả hết nợ trong vòng 2 năm tới. Bài toán mà Nga An trả nợ là hoàn toàn phụ thuộc vào việc...  bán đất.

Theo tính toán, xã này tận dụng vào việc trong năm 2015 xã vẫn còn cơ chế được hưởng 100% cấp quyền sử dụng đất nên tranh thủ quy hoạch “tận thu”.

{keywords}
Ông Thịnh (Bí thư xã Quý Lộc) phân trần

Còn xã Quý Lộc xem ra bài toán bán đất vẫn là vấn đề nan giải. Ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư đảng ủy xã Quý Lộc cho biết, nếu năm 2015 – 2016 cấp trên phê duyệt cho bán 60 lô đất thì xã cũng sẽ trả nợ được khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Thịnh phân trần, đó là phương án được cấp quyền sử dụng đất 100%. Nếu như năm nay không còn được hưởng chính sách đó (cấp quyền sử dụng đất 100%) nữa thì xã chỉ được trích lại 30% theo luật, thì với số % trên trừ mọi chi phí như: giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đường điện, cống rãnh… cũng chẳng còn được là bao.

Với giá bán hiện nay một lô đất ở địa phương được khoảng 60 triệu/lô/120m2. Đồng nghĩa với việc xã hưởng 20 triệu/lô, trừ mọi chi phí may lắm còn dư chưa đầy 10 triệu đồng/lô.

Như vậy, theo tính toán của ông Thịnh, xã có bán cả 1.000 lô đất cũng chưa đủ tiền trả nợ. Chưa nói đến quỹ đất có đủ để bán hay không, quy hoạch rồi có ai mua hay không?. Và với bài toán này xã Quý Lộc mất cả chục năm trời vẫn chưa trả hết nợ.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, nợ ở các xã đạt chuẩn NTM như hiện nay đang để lại hệ lụy, phức tạp cho chính địa phương.

Trong số 45 xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa thì chỉ có 6 xã không nợ đồng nào, hoặc nợ một vài trăm triệu.

Nhưng bình quân mỗi xã cũng nợ từ 5 - 6 tỷ đồng, cá biệt một số xã hiện đang nợ rất nhiều như: xã Quý Lộc, Định Tân (Yên Định) nợ gần 20 tỷ đồng/xã; Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) gần 20 tỷ; Nga An (Nga Sơn) gần 20 tỷ; Định Hòa (Yên Định) 13 tỷ; Đông Văn (Đông Sơn) hơn 10 tỷ…

Lê Dương