- "Đường bị hằn lún vệt bánh xe là do việc tổ chức thi công, công tác thiết kế, quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa tốt, chưa đúng yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, tình trạng xe quá tải và thời tiết nắng nóng cũng tác động đến bề mặt đường".

Ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế thi công, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe do Bộ GTVT tổ chức ngày 30/6.

Trăn trở vì đoạn đường do đơn vị thi công bị hằn lún, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó TGĐ Tổng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết: Sau khi tuyến đường QL1 Nghệ An – Hà Tĩnh bị hằn lún, Tổng công ty cũng đã tìm hiểu nguyên nhân và đã xem lại chất lượng nguồn vật liệu.

Tại khu vực Hoàng Mai (Nghệ An), vật liệu có mỏ chất lượng tốt - xấu lẫn lộn, khi thi công các đơn vị đồng loạt lấy vật liệu ồ ạt nên Tổng công ty rất khó kiểm soát chất lượng.

Ngoài ra, dân địa phương có loại xe tải trọng từ 3 – 5 tấn nhưng chở lên 9 - 10 tấn cũng chính là nguyên nhân tác động thêm gây nên hằn lún nền đường.

{keywords}
Nhiều đoạn đường bị hằn lún sau một thời gian đưa vào khai thác.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 703 thì cho rằng, chiều dày mặt đường Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Mùa mưa, nước ngấm vào bê tông nhựa làm tăng độ ẩm, dưới tác động của xe quá tải dẫn đến móng đường cấp phối ở dưới bị giảm sút nhanh chóng, gây hư hỏng cục bộ chất lượng mặt đường có chỗ bị lún, chỗ không.

Đặc biệt, một số nguồn cung cấp nhựa đường chưa tốt cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng đường bị hằn lún.

Là đơn vị tham gia thi công các gói thầu của dự án QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên đồng thời có cam kết bảo hành mặt đường 5 năm không hằn lún vệt bánh xe, ông Nguyễn Viết Hải - Tổng giám đốc công ty Sơn Hải chia sẻ, để đường không bị hằn lún thì quá trình thì công phải đảm bảo quy trình thiết kế, kiểm soát chặt nguồn vật liệu, lu lèn đảm bảo độ chặt và phải đầu tư thiết bị thảm bê tông nhựa tiến tiến. Tiêu chuẩn thiết kế phải đảm bảo chịu được nhiệt độ trên 85°C.

Ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đường bị hằn lún là do việc tổ chức thi công, công tác thiết kế, quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa tốt, chưa đúng yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, tình trạng xe quá tải và thời tiết nắng nóng cũng tác động đến bề mặt đường.

Các dự án có xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đã không tuân thủ các quy định của Bộ GTVT về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử bê tông nhựa trước khi thi công đại trà.

Điều này dẫn đến tình trạng chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phôi bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu, nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp khác, có thành phần hạt và tỷ lệ hạt dẹt hoàn toàn khác vật liệu đã được thí nghiệm, nên chất lượng bê tông nhựa không đàm bảo ổn định.

Thậm chí, cá biệt có nhà thầu tổ chức thi công công không sử dụng được lu rung cho các lớp kết cấu, dẫn đến khả năng chưa đảm bảo độ chặt.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nguyên nhân đường bị hằn lún có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đối với những đoạn đường vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện hằn lún trong thời gian ngắn thì yếu tố chủ quan nhiều hơn, dưới tác động thêm của thời tiết và xe quá tải đẩy nhanh đường hằn lún.

Đưa ra giải pháp, ông Đông yêu cầu các đơn trong quá trình thi công cần tăng cường kiểm soát các chủ thể tham gia thực hiện dự án ở tất cả các khâu, tăng cường hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, rà soát các đơn vị có tay nghề, đánh giá năng lực nhà thầu…

Đặc biệt, công tác thí nghiệm thiết kế bê tông nhựa phải hết sức kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Đông cũng nhấn mạnh, những đơn vị nào làm kém thì sẽ không được xem xét làm các dự án về sau. Nếu đường hỏng, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải tự bỏ tiền ra khắc phụ đồng thời kéo dài thời gian bảo hành.

Vũ Điệp