- Như VietNamNet đã phản ánh, trên tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) đang xảy ra tình trạng cây dầu cổ thụ 50 tuổi bị “nhốt” vào nhà dân khiến không gian sống của cây vô cùng chật hẹp. Làm thế nào để trả lại “nhà” cho cây, trả lại mỹ quan đô thị (?)

Vừa qua, ông Cao Hoàng Chí (ngụ quận 10, TP.HCM) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị đốn hạ cây dầu mã số 159 tại địa chỉ 396 Lê Hồng Phong quận 10, TP.HCM.

Ông cho biết mình mới mua lại căn nhà trên với giá 4,6 tỷ đồng và khi mua cây dầu đã “mọc” ở trong nhà. Sau động thái trên của ông Chí, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về trường hợp này. 

Thực tế hiện nay, trên tuyến đường Lê Hồng Phong (Q10) Trần Phú (quận 5) có hàng chục cây cổ thụ vẫn đang bị “nhốt” tương tự.

“Lấn chiếm vỉa hè là sai phép”

Trao đổi xung quanh vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thành Công – Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (TP.HCM) cho rằng bằng trực quan có thể nhận thấy các hàng cây được trồng trên tuyến đường trên đã tồn tại trước khi xây dựng các căn nhà hoặc trước thời gian mà các căn nhà được sửa chữa.

{keywords}
Cây dầu mã số 159 "ôm" nhà số 396 của ông Cao Hoàng Chí 

Có nghĩa khi xây dựng hoặc sửa chữa, các căn nhà này đã lấn chiếm phần đất không thuộc sở hữu của mình, tức họ đã sai phép. Việc sai trái này có thể xảy ra từ rất lâu ở những chủ trước của căn nhà, người mua sau thì vẫn thực hiện giao dịch bình thường, tức mua theo hiện trạng nên bản thân họ không có lỗi.

Dù họ không có lỗi thì với phần diện tích mà họ mua có vi phạm nên vẫn phải chịu sự điều chỉnh của quản lý Nhà nước khi xem xét đến, chẳng hạn như phải tháo dỡ phần diện tích xây dựng vi phạm.

Luật sư Công cho biết: năm 2010, Chính phủ mới ban hành nghị định 64 về “Quản lý cây xanh đô thị”. Nghị định này quy định rõ các điều cấm như chiếm đất trồng cây xanh để sử dụng, đóng đinh vào thân cây hay tự ý trồng cây xanh ở nơi công cộng không đúng quy định….

Đối với các cây xanh bị “vây” từ trước năm 2010 thì không áp dụng Nghị định 64 để xử lý nhưng vẫn áp dụng được quy định chung về quyền sở hữu, sử dụng đất đai để xử lý hành vi vi phạm.

Khi người dân sử dụng đất vượt quá phần đất mà họ có chủ quyền dẫn đến lấn chiếm không gian sống của cây xanh thì buộc phải trả lại không gian sống cho cây..

Trường hợp phần đất có chủ quyền đó được cấp phép hợp pháp thì phải xem xét lại quy hoạch lộ giới, thửa đất từ trước cũng như xác định rõ nguyên nhân cấp chủ quyền trên đất có cây xanh là đúng hay trái pháp luật mà xử lý phù hợp.

Trường hợp Cơ quan cấp chủ quyền sai thì phải mau chóng điều chỉnh cho đúng.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Công Ly Tao – Đoàn luật sư TP.HCM cũng khẳng định nếu người dân cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, lấn không gian sống của cây xanh, phá vỡ quy hoạch thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Thế nhưng, luật sư Ly Tao cũng đặt ra nếu căn nhà của người dân được cấp sổ hồng, giấy tờ hợp lệ thì hoàn toàn không vi phạm. Khi người dân muốn chặt cây vì sợ cây gãy đổ, nguy hiểm thì phải xin phép cơ quan chức năng.

Khi xét đơn đề nghị của người dân mà có cơ sở thì cần di dời cây để tạo điều kiện cho dân. Khi cơ quan nhà nước nào quản lý cây, chăm sóc cây mà không có biện pháp phòng ngừa dẫn đến cây gãy đổ, gây thiệt hại cho dân thì họ phải bồi thường.

{keywords}
Cơ quan quản lý ở đâu, trong trường hợp người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm phần diện tích công cộng ? 

Cũng theo luật sư Ly Tao, nếu căn nhà được cấp sổ hồng nhưng không có phần diện tích chứa cây xanh, cây xanh bị “nuốt” do quá trình người dân cơi nới nhà, lấn chiếm vỉa hè thì họ đã vi phạm. Luật sư đặt câu hỏi vậy cơ quan quản lý ở đâu khi để xảy ra tình trạng trên đến khi dân làm đơn xin chặt cây mới biết?

Trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công cũng cho rằng cần phải chấn chỉnh quy hoạch, thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng đất đai, nhà cửa liên quan đến cây xanh, diện tích công cộng nói chung nhằm trả lại sự chuẩn mực cho các phần diện tích thực tế phục vụ công cộng. Tránh trường hợp sử dụng lâu năm thì biến thành tài sản của riêng mình ở những phần diện tích công.

“Cây ở trong nhà là bình thường”

Nhìn ở góc độ khác, TS Phạm Sanh – chuyên gia về giao thông và đô thị cho rằng nhà nước cần cùng dân và có chính sách hỗ trợ người dân để gìn giữ bảo vệ cây xanh.

Theo ông, không thể phủ nhận việc một cây cổ thụ lớn “mọc” trong nhà dân sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

{keywords}
Còn nhiều nhà dân "ôm" cây trên đường Trần Phú (Q.5)  

Tuy nhiên, việc cây “mọc” trong nhà cũng là bình thường. Hiện nay trên thế giới rất nhiều nước vẫn trồng những loại cây xanh trên mái nhà, trồng cây trên tường, trồng cây trong nhà. Vấn đề là chúng ta cần làm thế nào để đảm bảo mỹ quan đô thị, mỹ quan trong nhà dân.

Nhà nước cần thống kê, phân loại lại để có một chương trình đặc biệt để chăm sóc, bảo vệ cây phù hợp. Với những cây có khả năng gãy đổ, nguy hiểm thì cần có kế hoạch thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cây xanh nhà nước quản lý hiện nay có thể là cây do nhà nước trồng nhưng cũng có thể là do người dân trồng sau đó nhà nước quản lý. Với cây do người dân trồng thì có thể ở trong nhà, cây do nhà nước trồng thì theo quy hoạch.

Nếu cây do nhà nước trồng theo quy hoạch thì người dân cần tuân thủ, không được lấn chiếm không gian sống của cây. Với cây do người dân trồng thì nhà nước cần có một chính sách mềm mại, cần có biện pháp hỗ trợ cho dân phù hợp để không gian đô thị ngày càng có nhiều cây xanh.

M.Phượng