- Giám đốc doanh nghiệp viết thư khuyên chị Hồng trả 5 triệu Yên nhặt được cho Chính phủ Nhật Bản khẳng định muốn chung tay xây dựng hình ảnh người Việt thân thiện, thật thà. Tuy nhiên phía “tỷ phú ve chai” - chị Hồng không đồng ý vì số tiền là để chị thực hiện ước mơ cả đời; luật sư của chị cũng khẳng định, không có cơ sở pháp lý để giao tiền cho phía Nhật...

Giám đốc viết thư khuyên trả 5 triệu Yên nói gì?

Đó là trường hợp ông Trịnh Đình Long (Tổng giám đốc công ty CP giải pháp doanh nghiệp Amica, trụ sở tại Q.Đống Đa, TP. Hà Nội), là người đã viết lá thư khuyên chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1978, ngụ Q.Tân Bình) trả số tiền 5 triệu Yên đã nhặt được khi mua ve chai hơn 1 năm trước cho Chính phủ Nhật, gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

{keywords}
Chị Hồng vẫn đang thu mua ve chai, chờ nhận 5 triệu Yên để thực hiện ước mơ cả đời

Sau khi có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, P.V VietNamNet đã trao đổi với ông Long.

Trước sau ông Long khẳng định “tôi viết thư khuyên chị Hồng trả 5 triệu Yên nhặt được cho Chính phủ Nhật là muốn xây dựng hình ảnh người Việt Nam thân thiện, thật thà...Tôi hoàn toàn không có vụ lợi gì ở đây”.

Theo ông Long, ý tưởng của ông nảy sinh, trước khi công an có thông báo chính thức sẽ hoàn trả số tiền cho chị Hồng. Vị giám đốc doanh nghiệp (DN) này cho biết, ông kêu gọi nhiều người, chủ yếu là giám đốc, tổng giám đốc các DN ở phía Bắc chung tay quyên góp, hỗ trợ bằng tiền mặt cho chị Hồng. Sau đó khuyên chị Hồng trả lại số tiền 5 triệu Yên nhặt được cho Chính phủ Nhật với mục đích tạo ra hình ảnh đẹp của người Việt trước bạn bè Nhật Bản và quốc tế.

Ông Long cho biết: “tôi đã viết thư nhờ người mang đến, rồi có gọi điện cho chị Hồng với tư cách cá nhân, để nói rõ kế hoạch đó rồi...”.

Ông Long thông tin thêm, tính cho đến ngày 28/4, khi báo chí đưa tin mà theo ông chưa chuẩn xác, ông đã kêu gọi được bạn bè, là giám đốc các DN, số tiền hơn 300 triệu đồng.

{keywords}
Ngày làm việc vấn vả của người phụ nữ thật thà. 

“Tất cả anh em mà tôi vận động đều hiểu ý nghĩa của việc làm này. Họ vui vẻ đồng ý và sẵn sàng quyên góp tiền ”.

Khi phóng viên đặt vấn đề nếu số tiền quyên góp của ông Long từ nhiều nguồn không tương đương với 5 triệu Yên mà công an Q.Tân Bình sắp giao trả cho chị Hồng, liệu chị này có đồng ý? Ông Long nói: “tôi đã trao đổi điều này với chị Hồng. Chị ấy có quyền lựa chọn. Mọi việc chưa nói trước được gì”.

Đặt trường hợp, chị Hồng đồng ý với ý tưởng của ông Long thì cách thức giao trả như thế nào? Ông Long cho rằng, chị Hồng có thể trực tiếp cùng cơ quan chức năng Việt Nam làm việc với Chính phủ Nhật.

Hỏi chuyện ông Long về việc có lường trước áp lực dư luận khi thực hiện ý tưởng viết thư, gọi điện khuyên chị Hồng trả 5 triệu Yên cho Chính phủ Nhật? Ông Long cho hay: “tôi cũng không lường trước được như thế! Vấn đề là do báo chí quy chụp nên có dư luận không hiểu đúng, không rõ về ý tưởng của tôi”.

Chị ve chai, luật sư không đồng ý

Xác thực lại thông tin của ông Long, P.V VietNamNet có liên hệ với một số người mà ông Long cho biết đã kêu gọi hỗ trợ nhằm thực hiện ý tưởng của mình. Ông Nguyễn Đức Hùng – giám đốc công ty TNHH Taka Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) xác nhận: “từ tháng 3/2015 anh Long có trao đổi với tôi và tôi thấy ý tưởng đó tốt đẹp nên sẵn sàng tham gia”.

{keywords}
Bữa cơm đạm bạc của gia đình chị Hồng

Ông Hùng nói đã "cam kết" với ông Long sẽ hỗ trợ chị Hồng khoản tiền 100 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra ông Hùng cho biết, do đặc điểm công ty ông chuyên kinh doanh về bếp ga và đồ gia dựng, nếu chị Hồng đồng ý với ý tưởng đó, ông sẵn sàng tư vấn cho chị về một cơ sở kinh doanh ngay ở quê mà không phải vào Sài Gòn mưu sinh vất vả.

“Từ việc làm này, tôi và nhiều người khác muốn kêu gọi, xây dựng một quỹ, nhằm thực hiện các việc tương tự; qua đó xây dựng hình ảnh người Việt tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế” - vị giám đốc công ty TNHH Taka Việt Nam khẳng định.

P.V VietNamNet có trao đổi với chị Hồng xung quanh lá thư và những cuộc trao đổi qua điện thoại giữa chị với ông Long về việc khuyên trả 5 triệu Yên cho Chính phủ Nhật. Chị Hồng cho biết: “tôi không đồng ý với chuyện đó!”.

Theo giải thích của chị Hồng, số tiền 5 triệu Yên nếu chị nhận được sẽ được trích một phần làm từ thiện giúp đỡ người khiếm thị, người khuyết tật và người già neo đơn; và phần còn lại sẽ giúp xây dựng nhà cửa cho gia đình mình ở quê, nuôi hai con ăn học.

“Đó là ước mơ cả đời của vợ chồng tôi. Nếu giao trả 5 triệu Yên, trong khi số tiền người nào đó quyên góp, hỗ trợ tôi không bao nhiêu thì làm sao tôi có thể thực hiện ước mơ đó” - người phụ nữ được mệnh danh là "tỷ phú ve chai" thật thà nói.

Đặt trường hợp giao trả 5 triệu Yên, nhưng được nhận số tiền hỗ trợ tương đương? Chị Hồng cho rằng: “chuyện này bản thân tôi, là một người lao động, ít học, không quyết định được. Tôi sẽ hỏi ý kiến của bạn bè, của luật sư”.

{keywords}
Lá thư của ông Long và số tiền nhỏ hỗ trợ chị Hồng

Cũng vấn đề trên, luật sư Hà Hải (đoàn luật sư TP.HCM – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị Hồng) khẳng định: “việc khuyên chị Hồng trả 5 triệu Yên cho Chính phủ Nhật là không có cơ sở pháp lý nào”.

"Đó là tài sản, tiền phải xác định chủ sở hữu là của người A, người B. Đâu có cơ sở nào xác định đó là tiền của Chính phủ Nhật mà trả cho Chính phủ Nhật (?) Đến nay công an chỉ xác nhận quyền sở hữu số tiền là của chị Hồng thì cứ giao trả theo đúng quy định pháp luật; còn việc chị Hồng sử dụng tiền đó như thế nào là chuyện của chị ấy”.

Ông Hải nói thêm “việc giám đốc DN nào đó, nói là quyên góp, hỗ trợ cho chị Hồng vài trăm triệu thì cứ thực hiện như phát ngôn. Họ yên tâm rằng, nếu chị Hồng nhận được sự hỗ trợ thêm đó thì chị sẽ cam kết thực hiện đúng những gì mình nói, dùng vào mục đích từ thiện”.

Đàm Đệ