Trước ngày chị Hồng nhận hơn 5 triệu yen, một số người đến vay tiền để làm ăn. Có người tự xưng giám đốc, gửi thư khuyên người mua ve chai trả lại tiền cho ngân hàng Nhật Bản.

Còn vài ngày nữa Công an quận Tân Bình (TP HCM) sẽ trao hơn 5 triệu yen cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi) - người may mắn tìm thấy số tiền này khi mua ve chai cách đây hơn một năm.

Tiếp xúc với phóng viên vào ngày 26/5, người mua ve chai bày tỏ sự lo lắng khi gần đây có người nhắn tin nói chị gửi tài khoản cho họ để "chuyển tiền giúp đỡ". Chị còn nhận một lá thư được đánh máy trên giấy A4, bên trong có 5 triệu đồng.

{keywords}

Chị Hồng hàng ngày vẫn thu mua ve chai trong lúc chờ công an trả 5 triệu yen

Chị Hồng cho biết lá thư là của ông T.D.L (ngụ Hà Nội, giám đốc một công ty giải pháp phát triển doanh nghiệp). Nội dung bức thư khuyên chị trả hơn 5 triệu yen cho Nhật Bản, vì số tiền do ngân hàng nước này phát hành, nên đó là tài sản của họ.

Theo tác giả bức thư, phải trả lại tiền cho nước Nhật để "nâng cao hình ảnh thân thiện, nhân văn của người Việt Nam đối với đất nước Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung".

Qua xác minh, người đem bức thư đến cho chị Hồng là anh L.T.Tr - nhân viên của ông L., đang làm việc tại TP HCM. Theo anh này, qua báo chí, giám đốc của mình biết được vụ việc nên quyết định viết thư khuyên chị ve chai.

Ông L. nhờ anh Tr. đến gửi chị Hồng 5 triệu gọi là "giúp đỡ ban đầu" nếu đồng ý trả tiền lại cho ngân hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, người mua ve chai từ chối nhận số tiền.

"Nội dung bức thư chỉ là việc chia sẻ quan điểm của ông L., chứ không có chuyện ông ấy khuyên chị giao 5 triệu yen cho mình xử lý giúp. Giám đốc của tôi giàu có, nên không có ý định lấy tiền của người khác", anh Tr. khẳng định.

Anh này cũng cho biết, nếu chị Hồng làm theo gợi ý, ông L. sẽ vận động nhiều người lập quỹ ủng hộ để gia đình chị ổn định cuộc sống.

Sau bức thư, ngày 26/4, người mua ve chai nhận được 3 tin nhắn có nội dung đề nghị chị gửi địa chỉ hoặc tài khoản để "chuyển tiền giúp đỡ". Sau đó, người nhắn tin gọi điện trao đổi với chị.

"Tôi không nhớ người đó tên gì. Nội dung cuộc nói chuyện xoay quanh việc khuyên tôi trả số tiền cho nước Nhật. Nếu cuộc sống khó khăn, ông ta và một số bạn bè sẽ hỗ trợ cho gia đình tôi được ổn định", chị Hồng kể.

Còn anh Tr. thì khẳng định, số điện thoại trên là của ông L. Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc không ai bắt máy.

Theo tìm hiểu, ông L. hiện sống ở Hà Nội, có tham gia giảng dạy tại một số trường đại học. Trong bức thư gửi chị Hồng, ông có ghi đường link 2 bài viết đăng trên một trang mạng về việc khuyên chị Hồng nên trả lại số tiền cho nước Nhật, để "xây dựng thương hiệu cho người Việt Nam".

{keywords}

Những tin nhắn được cho là của ông L. gửi đến chị Hồng.

Ngoài ra, cách đây 5 ngày, có một phụ nữ khoảng 50 tuổi cầm xấp giấy nói là sổ đỏ, đến thế chấp để nhờ chị Hồng cho vay 200 triệu vì công việc làm ăn khó khăn. Tuy nhiên, chị Hồng đã từ chối đề nghị này vì không có tiền và sợ bị lừa gạt.

"Bà ta nói là sổ đỏ nhưng lại được đánh máy trên tờ giấy màu trắng, giống bản photocopy, không có con dấu của chính quyền", người ở cùng khu trọ với chị ve chai kể.

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM, người tư vấn pháp lý của chị Hồng) cho biết, chị ve chai đã báo cho công an toàn bộ vụ việc trên. Luật sư khuyên chị Hồng nên cẩn thận khi tiếp xúc với người lạ, tránh việc nhận hay ký bất cứ giấy tờ gì do họ đem đến.

"Chị ve chai hiền lành, dễ tin người nên không lường được các mưu mẹo của những người có ý định chiếm đoạt hay xin tiền. Tôi đã khuyên có việc gì bất thường, chị báo cho cơ quan công an gần nhất đến làm việc", luật sư Hải cho biết.

Chị Hồng chia sẻ, những vụ việc vừa qua khiến vợ chồng lo lắng. Trước đây, chỉ vì tin người nên chị bị lừa 5 triệu đồng.

Người mua ve chai kể, cách đây hơn năm, có người đàn ông nói thuê được ngôi nhà to làm trụ sở công ty, muốn bán một số ve chai cho chị và 2 đồng nghiệp.

Sau đó, ông ta nhờ các chị dọn vệ sinh ngôi nhà. Ông đưa cho mỗi người 200.000 đồng tiền công trước khi vào dọn dẹp.

Trong lúc làm, người này nói cần tiền đi mua dây điện, nhưng chưa kịp đi rút ATM nên mượn tạm những người mua ve chai.

"Nghĩ ông ta giàu có, không lẽ đi lừa người nghèo, nên tôi đứng ra gom tiền của mấy chị em cho mượn. Nhưng rồi ông ta đi luôn, chờ mãi mới biết ngôi nhà đó không phải ông ấy thuê. Tôi khóc hết nước mắt khi bị lừa mất 5 triệu", chị ve chai tâm sự.

(Theo Zing)