- Vừa là một chứng nhân 30/4, vừa là một trong những người góp phần 'tạo ra lịch sử', Thiếu tướng Lê Phi Long - nguyên Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ lần nhập ngũ đặc biệt

Tới thăm thiếu tướng Lê Phi Long tại căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ở tuổi 87, tuy không thể tự đi lại, nhưng vị tướng vẫn khiến mọi người phải nể phục bởi phong thái uy vũ, vững vàng.

Kỷ luật quân đội với ông dường như vẫn còn nguyên. Trước giờ hẹn khoảng 30 phút, tướng Long đã ăn mặc chỉnh tề, tư liệu đầy đủ, ngồi sẵn sàng trên chiếc sofa, chờ khách tới.

Vừa gặp, vị tướng già tạo ấn tượng với PV trẻ bằng sự cởi mở, thân thiện. Câu đầu tiên, ông tiết lộ, đầy tự hào: “Cuộc đời tôi không có gì đặc biệt ngoài những trận đánh…”.

Chầm chậm, nhẩn nha. Ông bắt đầu 'kể' lại những thước phim vô cùng hào hoa về cuộc đời mình... 

{keywords}
Thiếu tướng Lê Phi Long:

Thiếu tướng Lê Phi Long sinh năm 1928, ở một làng quê nhỏ nghèo nàn như bao làng quê khác tại Hà Tĩnh. Sau này, ông Long được gia đình cho học trường Lycée Khải Định. Đây là một trường song ngữ, nhưng thực tế dạy tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt (nhờ thế, sau này tướng Long có vốn liếng tiếng Pháp phục vụ cho công tác, nghiệp vụ liên quan của mình).

Năm 1945, ông phải nghỉ học. Như bạn bè đồng lứa, mỗi người một hoàn cảnh, đều tham gia phong trào cách mạng rầm rộ ở địa phương.

Cậu thư sinh Lê Phi Long ngày ấy đã tham gia cách mạng với tinh thần yêu nước dạt dào, với nhiệt huyết hừng hực.

“Đấy, tôi và các thanh niên yêu nước thuở đó đã bén duyên với sự nghiệp cách mạng thật đơn giản!”, ông mỉm cười hồi tưởng.

Ngày đầu theo cách mạng, chàng lính trẻ Lê Phi Long gặp không ít trắc trở. Mà, cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên được...

“Đầu năm 1947, tôi đăng ký nhập ngũ giải phóng quân. Biết mình chưa đủ tuổi, tôi khai năm sinh của mình tăng thêm 1 năm. Vì còn bé nhỏ, không đủ cân nặng nên tôi bị loại. Thèm nhập ngũ để được như bao anh chị em đang chiến đấu bảo vệ quê hương, tôi tranh thủ bỏ đầy sỏi và đá vào hai túi quần. Ấy thế mà vẫn không đạt…!”.

Khát khao cháy bỏng được trở thành chiến sĩ vệ quốc quân buộc chàng trai trẻ phải nhờ tới một vị cán bộ cách mạng lão thành đứng ra bảo lãnh để đạt ý nguyện.

Ngày đầu tiên nhập ngũ, rời xa quê nhà, không thể quên được hình ảnh người mẹ hiền của mình.

“Chưa đủ tuổi, còn nhỏ lại chưa từng xa nhà, e ngại cha mẹ lo lắng. Vì thế, tôi giấu gia đình để đi bộ đội. Trước giờ khởi hành, tôi lén mẹ, lục nồi, ăn vội bát cơm nguội rồi khăn gói lên đường luôn, chẳng kịp từ biệt ai. Mẹ tôi sau khi biết chuyện đã rất tức giận. Bà thương, xót xa khi biết con trai nhỏ trước khi đi chỉ kịp lót dạ bát cơm nguội. Bà đã mắng anh trai và chị dâu của tôi tại sao để em ra đi bụng đói trong lần đầu tiên xa nhà” - ông kể, rồi trầm ngâm như đang nhớ về mẹ, về khoảnh khắc đặc biệt ấy.

Với ông, được nhập ngũ là một vinh dự to lớn. Vì thế, ông luôn cố gắng hoàn thành tất cả mọi công việc được giao. Từ nấu cơm, giữ ngựa cho tới chạy công văn.

Nhiệm vụ quan trọng trong tổng hành dinh

Ai có thể ngờ được, từ một chàng trai trẻ không đủ tiêu chuẩn tòng quân, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông trở thành một nhân chứng cho những thời khắc quan trọng, các chỉ đạo cơ yếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông cũng từng được biệt phái sang phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đặc biệt, ông từng có nhiều năm làm việc trong Tổng hành dinh nằm trong Thành cổ Hà Nội, là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị…

{keywords}
Thiếu tướng Lê Phi Long và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đây là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng, đúng thời điểm, thời cơ để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi.

Có những giai đoạn như Mậu Thân 1968, tướng Long được giao nhiệm vụ theo dõi chiến trường. Mỗi ngày, ông làm 3 báo cáo, vào sáng 6h sáng, 12h trưa và 18h để gửi cho một số ủy viên Bộ Chính trị.

Theo tài liệu từ Cục tác chiến, năm 1975, ở sở chỉ huy, từ Cục trưởng trở xuống đều tập trung phục vụ Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước đà thắng lợi lớn liên tiếp từ Tây Nguyên đến Huế và Khu 5..., Cục Tác chiến đã tổng hợp đánh giá tình hình để chiều 24-3-1975, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo trước Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương với nhận định: "So sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi hẳn, ta đã có ưu thế áp đảo địch. Nhìn chung có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trước dự kiến, giỏi và tốt nhất là mùa thu 1975".

Sau đó, Bộ Chính trị quyết định: Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Long được giao là chủ nhiệm “Hướng Tây Nguyên”. Sau đó, ông còn được giao làm Trưởng phòng Tác chiến “Cánh quân Duyên Hải” do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, “thần tốc” đánh từ Trị Thiên vào thẳng Dinh Độc Lập…

Ông kể: Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng, cánh quân của tướng Lê Trọng Tấn cùng với lực lượng vũ trang quân khu 5 tập kết tại phía Tây Nam, chuẩn bị đội ngũ để đón nhận nhiệm vụ mới cực kỳ quan trọng, chuẩn bị đánh thẳng vào Sài Gòn.

Ngày 7/4, trong khi đang chỉnh đốn đội ngũ thì nhận được điện hỏa tốc từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lệnh cho quân đoàn 2 chuẩn bị lực lượng tiến vào Nam, cùng với lực lượng vũ trang quận khu 5 tiêu diệt địch và giải phóng các tỉnh duyên hải.

“Trong điện của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tôi còn nhớ rõ những từ: thần tốc, thần tốc giải phóng miền Nam, thần tốc quyết thắng… Lúc này, anh Lê Trọng Tấn và Chu Huy Mân đã gặp nhau ở làng Cẩm Nghệ, rồi chia nhau chỉ huy bộ đội tiến thẳng vào Nam…”, Thiếu tướng Long hồi tưởng.

Thanh Huyền

(còn nữa)