- “Việc cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính liên quan đến hòn đá, bắt buộc phải có biên bản giám định của các cơ quan chuyên môn, nếu không có, người bị xử phạt có quyền khởi kiện ra tòa”. 

Đó là ý kiến của luật sư Tạ Quang Tòng - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk về vụ ông Nguyễn Chí Thanh (thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) tình cờ phát hiện hòn đá bán quý trong quá trình đào hồ lấy nước nhưng bị “gán” vào lỗi “cố tình khai thác khoáng sản trái phép”.  

Công an chưa giám định mẫu đá 

Liên quan đến vụ “Bắt giữ hòn đá canxedon 30 tấn, giá chục tỷ”, ngày 15/4, ông Nguyễn Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, UBND tỉnh đã ra quyết định tịch thu hòn đá và quyết định xử phạt hành chính đối với tài xế xe tải về hành vi buôn bán trái phép trái hòn đá canxedon khai thác tại huyện Đắk Mil.  

{keywords}

Hòn đá khi mới phát hiện

Theo ông Lộc, ngay từ đầu cơ quan chức năng xác định hòn đá bị bắt là loại đá bán quý canxedon, cấm khai thác, nên việc ra quyết định tịch thu là có cơ sở. Hòn đá sau khi tịch thu sẽ được đưa vào bảo tàng tỉnh để trưng bày. 

Đối với tài xế, theo quyết định xử phạt mà UBND tỉnh này ký, thì việc xử phạt dựa vào điểm C, khoản 12, điều 21, Nghị định 185/NĐCP/15/1/2013 quy định về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi của tài xế được cho là buôn bán hàng cấm, mức xử phạt là 35 triệu đồng.  

Ngoài các quyết định xử phạt nói trên, UBND tỉnh cũng chỉ đạo huyện Đắk Mil, xã Đắk Gằn kiểm điểm các cá nhân liên quan vì phản ứng chậm trễ trong việc chỉ đạo xử lý hòn đá, dù sự việc đã được phát hiện từ trước.  

Về việc gửi mẫu giám định hòn đá để làm căn cứ xử phạt, ông Lộc cho biết, công an tỉnh chưa gửi mẫu đá đi giám định. Về việc công an đề xuất xử phạt hành chính các ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) và Trường Quốc Hảo (người khai thác) 550 triệu đồng/người về hành vi khai thác trái phép khoáng sản, ông Lộc cho biết, lãnh đạo tỉnh chưa nắm được thông tin, bởi cơ công an tỉnh chưa có báo cáo bằng văn bản cụ thể. Khi nào có văn bản báo cáo, lúc đó UBND tỉnh sẽ họp thống nhất mức xử phạt cụ thể.  

Đề xuất phạt có phù hợp? 

Ông Nguyễn Văn Thư, giám đốc công ty Tân Hưng Phát (đơn vị được thuê chở hòn đá) cho biết, đã nhận được thông báo về mức xử phạt 35 triệu đồng đối với tài xế.  

{keywords}

Hòn đá canxedon 30 tấn bị tịch thu sung công quỹ

“Doanh nghiệp không hề biết đó là đá quý, cấm khai thác vận chuyển. Bởi mọi giao dịch đều thông qua điện thoại, chỉ khi bị bắt, công an thông báo thì doanh nghiệp mới biết. Nếu tỉnh có quyết định xử phạt, công ty chấp nhận bỏ tiền ra nộp để nhanh chóng lấy xe làm ăn…” – ông Thư chia sẻ.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) cho biết, chỉ nghe thông tin về việc sẽ bị xử phạt qua báo chí, chứ cá nhân chưa nhận được thông báo gì từ cơ quan chức năng.  

Theo ông Thanh lý giải, việc phát hiện hòn đá là tình cờ khi đào hồ để tưới nước. Khi phát hiện, ông Hảo (chủ máy múc) thỏa thuận đưa 60 triệu đồng để tự khai thác rồi thuê máy kéo vào chở đi. Việc thỏa thuận mua bán đã dứt điểm, nếu như người khai thác, vận chuyển bị bắt, bị xử lý thì đó là chuyện cá nhân của họ, ông không có liên quan.  

Ông Phạm Đức Châu – chủ tịch UBND xã Đắk Gằn (Đắk Mil), cũng nêu quan điểm, việc đề xuất xử phạt hành chính người khai thác 550 triệu đồng/người là không phù hợp và thiếu tính khả thi. Ông Châu lý giải, 2 ông Thanh, Hảo có điều kiện kinh tế khá khó khăn. Cả hai làm rẫy, trong đó ông Thanh không biết chữ và bản thân không biết hòn đá khai thác là đá canxedon bị cấm khai thác. Hoàn cảnh ông Hảo cũng bi đát khi có 2 người con mới tử nạn đuối nước, kinh tế cũng khó khăn.  

{keywords}

Một hòn đá canxedon khai thác tại xã Đắk Gằn bị tịch thu về trưng tại UBND huyện Đắk Mil

Ông Châu xác nhận việc người dân đã khai thác đá canxedon cả chục năm nay ở địa phương, nhưng việc xử lý, xử phạt rất khó khăn. Nguyên nhân, đá canxedon không nằm theo mỏ, theo vỉa mà chỉ phân bố rải rác theo dạng đá mồ côi. Người dân trong quá trình làm rẫy, đào hồ thì phát hiện, nhặt mang về chế tác làm cảnh, làm đá phong thủy. Có người mua thì đem bán chứ không khai thác đại trà.  

Cũng theo ông Châu, trước đây, cơ quan chức năng tỉnh đã có một số lần bắt giữ một số trường hợp vận chuyển đá canxedon với số lượng lớn bằng ô tô, nhưng sau khi bắt giữ thì không xử phạt được vì chủ đá bỏ trốn. Nguồn đá tịch thu, bị xử lý thế nào cũng không rõ. Đặc biệt, trong một số vụ phát hiện đá canxedon “khủng” ở Đắk Gằn, cơ quan chức năng sau khi bắt giữ đã tịch thu đưa về trưng làm đá cảnh tại các công sở của huyện, tỉnh. Tuy nhiên, việc trưng thu này có ra quyết định hay không thì địa phương cũng không biết.  

Một nguồn tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, cách đây mấy năm, công an tỉnh này đã bắt giữ được 2 xe tải chở đá canxedon, nguồn đá sau đó bị tịch thu, đưa về tỉnh ủy để làm đá cảnh.  

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, anh Thanh trong quá trình đào hồ phát hiện hòn đá canxedon, xét về hành vi thì anh Thanh không cố tình khai thác khoáng sản trái phép. Việc đề xuất xử phạt anh Thanh và ông Hảo mỗi người 550 triệu đồng là không hợp lý, bởi cơ quan chức năng chưa giám định mẫu đá nên không có căn cứ để xử phạt.  

Luật sư Tòng giải thích, nếu cơ quan chức năng muốn ra quyết định tịch thu hòn đá, xử phạt hành chính những người liên quan, bắt buộc phải trưng cầu giám định hòn đá để xác định chủng loại, giá trị hòn đá. Việc giám định phải có hội đồng, gồm các chuyên gia của Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Viện Vật lý địa cầu, ĐH Mỏ - Địa chất...mới có chức năng giám định, tỉnh Đắk Nông không có đủ máy móc, thiết bị để làm việc này.

Trùng Dương