- “Hà Nội nên mạnh dạn xã hội hóa bến xe và trạm đăng kiểm. Việc tiến hành xã hội hóa để cho tư nhân làm chất lượng sẽ tốt hơn, dịch vụ tốt hơn. Nhà nước chỉ cần tham gia quản lý thông qua việc kiểm tra, kiểm soát”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết tại buổi làm việc với Hà Nội về quản lý và phát triển giao thông vận tải ngày 15/4.

Xã hội hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ

Tại buổi làm việc, liên quan đến hoạt động các bến xe khách Hà Nội, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ VN (Bộ GTVT) cho rằng: Hà Nội nên tiến hành Cổ phần hóa 100% các bến xe khách để nâng cao chất lượng hoạt động bến xe.

Để tránh tình trạng quá tải ở một số bến xe như hiện nay, ông Huyện cho biết tiến tới sẽ tổ chức đấu thầu luồng tuyến cố định công khai, minh bạch tránh tình trạng nơi quá tải, nơi thiếu xe như hiện nay.

{keywords}

Xã hội hóa bến xe để nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách.

“Có như vậy doanh nghiệp trúng thầu (thời gian 5-7 năm) mới đầu tư bài bản, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách”, ông Huyện nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng gợi ý, Hà Nội nên mạnh dạn xã hội hóa bến xe và trạm đăng kiểm. Việc tiến hành xã hội hóa làm chất lượng và dịch vụ tốt hơn. Nhà nước chỉ cần tham gia quản lý thông qua việc kiểm tra, kiểm soát.

Ngoài ra, ông Thăng cũng yêu cầu Tổng Công ty đường sắt VN khẩn trương làm việc với Hà Nội để xã hội hóa các ga, điển hình như ga Yên Viên, để đầu tư nhà ga, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT yêu cầu Hà Nội cần triển khai bãi đỗ xe ngầm sớm. Bởi, nếu không xử lý được giao thông tĩnh thì không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng xe như hiện nay.

“Hà Nội triển khai bãi đỗ xe ngầm quá chậm. Để làm được thì cần phải tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm sớm. Việc này hoàn toàn có thể làm mạnh mẽ được”, Bộ trưởng GTVT nói.

Báo động tai nạn giao thông đường sắt

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay tai nạn giao thông đường sắt tăng, dù trong năm qua Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty đường sắt VN nêu rõ: Hiện Hà Nội có 180 đường ngang, trong đó 30% đường ngang có gác, 30% đường ngang cảnh báo tự động, 40% đường ngang còn lại chỉ có biển báo không.

Với thực trạng này, nếu chỉ có cảnh báo chuông không thì rất khó. Ngay với người ngồi trong ô tô bật điều hòa đóng kín cửa sẽ không thể nghe thấy gì và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt sẽ rất cao.

Ông Thành cho biết đang tiến hành làm thử hệ thống cần chắn tự động và sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 9 tới.

Ngoài ra, ông Thành cũng nói rõ, hiện Hà Nội có trên 400 vị trí gọi là đường ngang dân sinh. Các đường ngang này cứ “đóng 1 lại nở ra 10” nên đề nghị Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ đường ngang để đảm bảo an toàn.

Cũng tại buổi làm việc sáng nay, ông Lê Kim Thành – TGĐ Ban quản lý dự án đường sắt cho biết: Hiện nay việc thi công Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đang gặp khó khăn do xe quá khổ đi vào tuyến đường đang thi công, nhưng Ban quản lý chưa thể xử lý được.

“Tại đoạn đường dự án thi công đã quy định rõ xe có chiều cao trên 3,5m không được phép lưu hành, thế nhưng thực tế vẫn nhiều xe vi phạm. Ít nhất đã có 8 lần xe quá khổ đi vào giật khung đà giáo đổ xuống đường gây mất an toàn trong thi công”, ông Thành cho biết.

Cũng liên quan đến việc thi công nhà ga của Dự án đường sắt trên cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc thi công các nhà ga của dự án cần phải đóng đường mới đảm bảo an toàn trong thi công.

Do vậy, Thứ trưởng Trường “nhờ” UBND TP.Hà Nội mở rộng xén vỉa hè tạo lòng đường rộng 8m để đảm bảo cho người dân qua lại, tránh gây ùn tắc kéo dài và đảm bảo cho công tác thi công.

Vũ Điệp