- “Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh phải bắt đầu từ khâu...bảo vệ. Thái độ nhân viên bảo vệ, trông xe tưởng nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng.”, PGS – Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh trong Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT (bảo hiểm y tế) toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh diễn ra tại TP. Vũng Tàu ngày 14/4.

Từ đó cho thấy ngành y tế đang nỗ lực đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thay đổi phải bắt đầu từ tư tưởng

Tại Hội nghị, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê dẫn chứng về tầm quan trọng trong đổi mới dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh phải bắt đầu từ những điều tưởng đơn giản nhất.

{keywords}
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê (áo kẻ). Ảnh: Thanh Huyền.


“Nhiều bệnh viện, ngay từ khâu vào cổng nhân viên bảo vệ đã tạo cho bệnh nhân sự khó chịu. Đưa 5000 đồng tiền gửi xe, lấy luôn cả 5000, không trả lại tiền thừa. Nếu nhân viên bảo vệ trả lại tiền thừa cho bệnh nhân bằng thái độ ân cần, giải thích theo quy định chỉ được thu 1000 đồng thôi chẳng hạn. Như thế người bệnh sẽ cảm thấy ấm lòng biết bao?”

Không chỉ nhân viên bảo vệ, cách ứng xử của điều dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra bệnh viện phải quan tâm bệnh nhân đã có đủ ghế ngồi chưa, có bảng điện tử số thứ tự chưa, có quạt chưa...

“Tôi đã từng đề nghị sa thải vài nhân viên điều dưỡng khi đi kiểm tra vì thái độ hách dịch. Người điều dưỡng cần nhất là sự ân cần, thấu hiểu tâm lý bệnh nhân. Bàn tiếp đón người bệnh cao, mỗi khi bệnh nhân vào hỏi phải đứng với, còn điều dưỡng ngồi. Như thế là không được. Người bệnh phải được ngồi. Lúc đo huyết áp bệnh nhân phải được nằm. Thay băng thế nào để bệnh nhân không đau. Tất cả đều đã có kỹ năng và quy trình.”, Tiến sĩ Khuê chia sẻ.

Đổi mới chất lượng khám chữa bệnh phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Bệnh viện là bộ mặt của ngành y tế.

Giảm tải bệnh viện, mục tiêu quan trọng

Trong số các nỗ lực cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện được coi là một mục tiêu quan trọng.

Kể từ ngày 20/1, dưới sự chủ trì của Bộ Trưởng Bộ Y tế đã có 13 bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.

{keywords}
Toàn thể hội nghị tại Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Huyền.

Tiếp theo 13 bệnh viện trên, tính đến đầu tháng 4 đã có tổng cộng 23/38 bệnh viện tuyến Trung ương và 18 bệnh viện tuyến cuối của Sở Y tế TP.HCM ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.

Các bệnh viện thống nhất theo 3 nhóm: mỗi người một giường bệnh ngay khi vào điều trị, tối đã sau 24 h sẽ bố trí mỗi người một giường bệnh, và tối đa sau 48 h từ khi nhập viện.

Một nỗ lực nữa đang được Bộ Y tế thực hiện, đó là: lấy người bệnh làm trung tâm. Đường dây nóng bệnh viện được lập ra như một kênh mà ngành y tế thông qua đó tiếp nhận trực tiếp phản ánh của thân, bệnh nhân.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo về kết quả xử lý từ các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế: đã cách chức 7 cán bộ lãnh đạo khoa, kỷ luật/khiển trách 119 người, cắt thi đua 15 người và điều chuyển vị trí công tác 3 người, cho nghỉ việc 1 người.

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ Phó Vụ BHYT, Bộ Y tế, ở tuyến huyện/xã người dân đăng ký BHYT ở đâu cũng được, không phân biệt địa giới hành chính.

Đối với khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến: tại Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú.

Riêng đối với vượt tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh, từ ngày 31/12/2020 sẽ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú, và thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021.

Cuối cùng, đối với các bệnh viện tuyến huyện, bắt đầu từ ngày 31/12/2015 sẽ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh, và thanh toán 100% từ ngày 1/1/2016.

Thanh Huyền