- Chiều 25/3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành công bố Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 3-7-2014 của TTCP về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Sai phạm nghiêm trọng

Chủ trì buổi công bố kết luận là ông Nguyễn Đức Hạnh – Phó tổng TTCP. Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh- ông Võ Kim Cự cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành cũng có mặt trong buổi làm việc.

{keywords}
Phó tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh tại buổi công bố kết luận thanh tra 

Theo Phó tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh, việc công bố Kết luận TTCP là việc làm bình thường theo quy định của luật Thanh tra và quy định của luật Phòng chống tham nhũng.

Cũng theo ông Hạnh, quá trình thanh tra ở Hà Tĩnh diễn ra trong thời gian khá dài. Chính vì thế, những nội dung trong bản Kết luận của TTCP khá cặn kẽ và đầy đủ. Kết luận này đã được Chính phủ thông qua.

“Điều quan trọng là chúng ta xử lý như thế nào sau khi có kết luận thanh tra. Bởi đó là ý chí, là hành động của Chính phủ” - Phó tổng TTCP nhấn mạnh.

Theo như kết luận, quá trình tiến hành thanh tra, TTCP phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Hà Tĩnh trong quá trình triển khai các dự án kinh tế.

Cụ thể, theo TTCP, tại dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư đã được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm.

Trong khi đó, điều 52 của Luật đầu tư quy định thời hạn hoạt động của dự án nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ ra quyết định về thời hạn dài hơn nhưng không được quá 70 năm.

Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, TTCP cho biết Chính phủ chưa có ý kiến cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.

Điều đáng nói, TTCP chỉ rõ đây là dự án nằm trong khu vực khá nhạy cảm (cảng biển khu vực liên quan đến An ninh quốc phòng). Bởi vậy, việc Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ để cho thuê đất lên đến thời hạn 70 năm là một sai phạm rất nghiêm trọng.

TTCP đã yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xem xét, xử lý việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định tại Điều 52 và các quy định của pháp luật liên quan.

Chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế sai quy định

Cũng theo kết luận này, quá trình kiểm tra 1.120 gói thầu xây lắp tại 402 dự án cấp huyện, sở được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện có tới 664 gói thầu (chiếm gần 60%) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu sai với quy định Luật đấu thầu, Luật xây dựng.

Điều đáng nói, trong số 404 gói thầu được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế có tới hơn 60% chậm tiến độ và đã phải thực hiện bù giá vật liệu nhân công với số tiền hơn 40 tỉ đồng.

Trong 260 gói thầu chỉ định có hơn 33% gói chậm tiến độ, phải thực hiện bù giá hơn 3,5 tỉ đồng. Ngoài nguyên nhân nhân khách quan, TTCP chỉ rõ nhiều nhà thâu có năng lực tài chính lẫn tổ chức thi công rất yếu.

Một số gói thầu do điều kiện địa chất thi công khó khăn nhưng không được chỉ ra từ khâu khảo sát, lập phương án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không sát thực tế. Việc chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, tăng giá trị quyết toán mà còn gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Tại dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng, TTCP phát hiện có hiện tượng chỉ định thầu bất thường. Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.400 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1.200 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo TTCP, UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Mặc dù công trình có sử dụng vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư đã thực hiện chỉ định thầu (trong đó chỉ định cả cổ đông của chủ đầu tư làm nhà thầu) trong khi chưa được Thủ tướng cho phép, vi phạm Luật đấu thầu.

Cũng theo Kết luận TTCP, trong quãng thời gian từ 13.6.2008 đến 31.12.2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép 30 giấy phép với tổng diện tích 132,95 ha đất nằm ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật, vi phạm luật khoáng sản.

Những sai phạm này được TTCP chỉ rõ: chưa có hợp đồng thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác mỏ; địa điểm cấp phép khai thác mỏ nằm ngoài quy hoạch khai thác khoáng sản; khai thác ngoài phạm vi cho phép…

Văn bản Kết luận của TTCP cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến những sai phạm. Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Võ Kim Cự chấn chỉnh việc giao, nhận thầu, thực hiện đúng quy định luật đấu thầu; hạn chế tối đa việc chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế đối với các gói thầu không đủ điều kiện theo các quy định của pháp luật.

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư và các nhà thầu xây dựng. TTCP cũng yêu cầu Chủ tịch Hà Tĩnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cấp phép khai thác khoáng sản sai quy định, nằm ngoài quy hoạch khoáng sản…

TTCP cũng giao Bộ KHĐT chủ trì xem xét, xử lý việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định. Trách nhiệm trong việc này thuộc về thường trực UBND tỉnh, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh…

Hà Tĩnh nghiêm túc kiểm điểm

Ông Võ Kim Cự - Bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tỉnh tiếp thu nghiêm túc những nội dung theo kết luận của TTCP. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có đánh giá toàn diện và nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt.

“Đây là cơ hội để các tố chức, cá nhân soi lại mình xem đã làm đúng chưa, để chấm dứt những hạn chế và sai phạm. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, công khai; cam kết khắc phục những sai phạm. Hi vọng TTCP tiếp tục giám sát.

Chúng tôi khắc phục bằng được những hạn chế như trong kết luận. Đề nghị TTCP tiếp tục nghe ngóng, đôn đốc kiểm tra, giám sát chúng tôi thực hiện kết luận của Thanh tra” - ông Võ Kim Cự cho biết.

Ông Cự cũng yêu cầu các cá nhân, sở ban ngành liên quan tự kiểm tra để làm tốt hơn, rà soát kiểm điểm nghiêm túc theo chỉ đạo của TTCP và UBND tỉnh.

Nói về việc cấp phép cho Công ty Formosa, trước đấy, ông Võ Kim Cự cho rằng việc này UBND tỉnh đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ KHĐT đã có ý kiến đồng ý cấp phép 70 năm. Tuy nhiên, Phó tổng TTCP một lần nữa nhấn mạnh: không nên đồng nhất 2 khái niệm; việc Chính phủ và Bộ KHĐT có ý kiến đồng ý cho thuê đất 70 năm là sau khi có kết luận của TTCP. TTCP kết luận việc Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm.

Hoàng Sang – Duy Tuấn