- Tại Đắk Gằn, người dân đã khai thác đá canxedon cả chục năm nay, nhiều người phất lên nhờ đá. Trong khi đó, Công an tỉnh Đắk Nông sau khi tạm giữ hòn đá 30 tấn, thì lấn cấn không biết xử lý thế nào bởi chưa có…tiền lệ.

Khai thác cả chục năm, có thấy ai bắt đâu!

Từ trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi, thông tin nông dân Nguyễn Chí Thanh (thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, Đắk Mil) trong lúc đào hồ lấy nước phát hiện hòn đá bán quý canxedon khổng lồ, được thổi giá tiền tỷ và bị công an bắt giữ khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

{keywords}
Hòn đá canxedon khi mới được phát hiện

Ngày 3/3, dẫn P.V vào nhà anh Thanh là anh Trần Quốc Toản (công an xã Đắk Gằn), tuy nhiên cả gia đình anh đi vắng. Tại khu rẫy trước cửa nhà, nằm sát bên con đường dẫn vào thôn là một hố lớn mới được đào bới, một máy múc vẫn đang hiện diện. Anh Toản cho biết, đây là vị trí anh Thanh phát hiện hòn đá canxedon “khủng”.

Xin số điện thoại của anh Thanh từ bà Nguyễn Thị Bích (thôn phó thôn Nam Định, nhà ở sát cạnh), qua điện thoại anh Thanh thật thà kể. Sáng ngày 10/2, anh thuê một máy múc của ông Hảo vào múc hồ tưới nước. Khi máy múc đào xuống sâu thì vướng phải hòn đá to.

Ông Hảo cho biết đây là đá quý và thỏa thuận đưa anh Thanh 70 triệu đồng để được khai thác hòn đó. Anh Thanh đồng ý, ông Hảo sau đó huy động thêm hai máy múc nữa vào hỗ trợ khai thác. Khi đang khai thác thì công an xã Đắk Gằn vào lập biên bản vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – phó trưởng Công an xã Đắk Gằn cho biết, chiều ngày 10/2, ông vào thôn Nam Định để xử lý một vụ khai thác đá quý trái phép. Khi vào rẫy ông Thanh thì phát hiện một hòn đá rất to được cẩu lên rơ móc đang nằm dưới hố sâu. Tại hiện trường không có chủ đá, máy móc cũng không thấy.

Công an xã sau đó lập biên bản hiện trường, gọi đại diện thôn lên ký xác nhận vào biên bản, rồi cắt cử anh Toản ở lại canh giữ hòn đá từ chiều 10/2 đến sáng hôm sau.

Sáng 11/2, anh Toản xong nhiệm vụ về báo cáo sự việc lên lãnh đạo công an xã. Đến hơn 21 giờ cùng ngày, Phòng PC 46, Công an tỉnh Đắk Nông bất ngờ bắt giữ hòn đá khi nó đang được vận chuyển trên quốc lộ 14, sang Buôn Ma Thuột tiêu thụ.

Dư luận cho rằng, có sự tiếp tay của cán bộ xã Đắk Gằn thì hòn đá mới vận chuyển được ra ngoài tiêu thụ (vị trí hòn đá ra đường lớn hơn 5km). Về vấn đề này, ông Thắng cho biết, sau khi cắt cử người trông coi trong đêm 10/2, sáng 11/2 ông đã báo lên cấp trên. Việc xử lý như thế nào ông không hay biết, và hòn đá tẩu tán ra ngoài không thuộc trách nhiệm của ông.

{keywords}
Máy múc có mặt tại hiện trường vụ khai thác đá vào sáng ngày 3/3
{keywords}
Anh Trần Quốc Toản (công an viên xã Đắk Gằn) chỉ vị trí phát hiện hòn đá canxedon và anh được cắt cử trông trong ngày 10/2

Còn theo anh Thanh, việc khai thác đá quý trên địa bàn thôn đã diễn ra cả chục năm nay. Nhiều người khi đi làm rẫy, đào hồ vẫn hay phát hiện ra những hòn đá quý như anh, nhưng chỉ ở dạng nhỏ. Người dân sau đó mang về chế tác trưng cảnh, đá phong thủy hay bán ra ngoài nhưng cũng không thấy ai bị bắt, xử lý gì.

Hòn đá phát hiện ở rẫy nhà anh là cũng do tình cờ, và anh không biết được nó lại có giá cao như vậy.

Còn bà Bích tiết lộ, trước đây người dân tại xã Đắk Gằn cũng đào được một hòn đá canxedon rất to, hòn đá sau đó đã bị UBND huyện Đắk Mil thu giữ mang về đặt làm cảnh tại trụ sở.

Chúng tôi tìm đến UBND huyện Đắk Mil và ghi nhận, tại khu vực sân ngay phía trước trụ sở một hòn đá canxedon khổng lồ “trấn” uy nguy. Hòn đá có màu xanh ngọc và màu vàng họa tiết rất đẹp.

Chưa biết xử lý thế nào

Ngày 3/3, làm việc với Đại tá Bùi Văn Khương, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Đắk Nông, ông cho biết công an vẫn đang tạm giữ hòn đá.

{keywords}
Đá canxedon dạng cục nhỏ được người dân tại xã Đắk Gằn nhặt về chất đống quanh nhà để làm cảnh và chế tác đem bán
 
{keywords}
Bà Nguyễn Thị Bích (phó thôn Nam Định, xã Đắk Gằn) cho biết người dân địa phương khai thác đá cả chục năm nay và khá lên nhờ làm đá

Phía công an vẫn đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan, củng cố hồ sơ để báo cáo cấp trên có hướng xử lý cụ thể. Công an cũng chưa gửi mẫu đi giám định để xác định mức độ quý của đá.

Tuy nhiên, qua làm việc với Phòng TN&MT huyện Đắk Mil, cán bộ chuyên môn phòng cho biết đây là đá canxedon thuộc dạng bán quý.

Ông Khương cho biết, đơn vị bắt hòn đá theo nguồn tin báo. Khi bắt giữ, chủ đá không có phản ứng gì. Theo ông Khương, dù là đá xây dựng thông thường hay đá quý, người dân khi khai thác đều phải xin phép cơ quan chức năng. Công an bắt giữ hòn đá nói tên dựa trên hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Ông Khương cũng cho biết, rất khó để xác định giá trị của hòn đá. Nguyên do, đây là đá bán quý, người dân dùng chế tác chơi đá cảnh, đá phong thủy, giá trị phụ thuộc vào mức độ “chịu chơi” của người sử dụng.

Trao đổi về thông tin dư luận, hiện hòn đá hòn đã đã bị tẩu tán khỏi địa bàn Đắk Nông, ông Khương khẳng định hòn đá vẫn đang được tạm giữ tại kho tang chứng của công an tỉnh.

Phóng viên đặt vấn đề muốn được ghi lại một số hình ảnh về hòn đá để giải tỏa dư luận, ông Khương từ chối bởi ông không phải là người phát ngôn theo quy định ngành, và lãnh đạo không đồng ý.

Cùng phát hiện đá quý, nhưng khác cách xử lý

Theo luật sư Tạ Quang Tòng – phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cơ quan công an cần phải làm việc cụ thể với các bên liên quan để xác định rõ hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển viên đá canxedon trên là vô tình hay cố ý, từ đó mới chiếu theo Luật Khoáng sản để có giải pháp hỗ trợ người dân hay xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Viên đá canxedon tuyệt đẹp “trấn” tại UBND huyện Đắk Mil được cho là trưng thu của người dân khai thác đá tại xã Đắk Gằn

Khi đặt vấn đề trước đây tại Gia Lai, tỉnh này từng bắt giữ, tịch thu một hòn đá tương tự của người dân, và bị kiện ngược. Chính quyền sau buộc phải thương lượng người dân rút đơn, sau đó hỗ trợ người phát hiện 50 triệu đồng.

Ông Tòng giải thích, 2 vụ việc hoàn toàn khác nhau, tại Gia Lai, người dân phát hiện hòn đá nhưng vẫn giữ nguyên trên đất, không vận chuyển, chính quyền thu giữ là sai. Hòn đá tại xã Đắk Gằn, người dân cũng phát hiện trên đất rẫy nhà, tuy nhiên họ đã vận chuyển ra ngoài, xét theo Luật Khoáng sản thì hành vi này là khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép nên cơ quan công an bắt giữ là có căn cứ, và đúng pháp luật.

Về việc giữa ông Thanh thỏa thuận bán hòn đá cho ông Hảo giá 70 triệu đống, sau đó bị công an bắt, và ông Hảo đòi lại tiền. Luật sư Tòng cho biết, đây là một vụ án dân sự tách biệt. Do hai bên đã có sự thỏa thuận mua bán, nếu có tranh chấp thì có thể kiện nhau ra tòa dân sự để phân giải.

Trùng Dương