- Giá xăng dầu chiếm 40 đến 45% chi phí của DN vận tải tuyến cố định và 30% đối với DN vận tải taxi. Do vậy, với mức giảm của các DN vận tải hiện nay (chỉ 8 – 10%) được Sở Tài chính Hà Nội đánh giá là chưa tương ứng với với mức giảm giá xăng dầu.

Giảm chưa tương ứng…

Theo đại diện Công ty CP bến xe Hà Nội, tính đến nay, sau 15 lần xăng dầu giảm giá với mức giảm gần 10.000 đồng, nhưng mới chỉ có 38 đơn vị trong tổng số hơn 100 đơn vị vận tải tiến hành giảm giá cước vận tải.

{keywords}
Người dân vẫn phải trả mức cước vận tải cao, trong khi giá xăng đã giảm sâu nhiều lần... 

Tuy nhiên giá cước giảm bình quân chỉ ở mức 2,3 đến 14,6%. Trong đó, đơn vị Hợp tác xã vận tải Vĩnh Lộc giám giá cước cao nhất là 14,6% (130.000 đồng/ vé xuống 111.000 đồng/ vé). Đơn vị giảm giá cước thấp nhất là Công ty CPDL Xuân Long  chỉ giảm 2,3% (650.000 đồng/vé xuống 635.000 đống/vé).

Ông Nguyễn Hữu Bằng- Giám đốc Cty vận tải Sao Việt cho biết: Công ty vừa làm thủ tục giảm cước vận tải tuyến Hà Nội – Lào Cai từ 250.000 đồng/vé xuống còn 230.00 đồng/vé chưa được 1 tuần thì xăng dầu lại tiếp tục giảm giá gần 1.500 đồng/lít.

Khi được hỏi liệu đơn vị có tiếp tục giảm giá vé sau khi giá xăng dầu tiếp tục giảm, ông Bằng cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục giảm giá cước. Tuy nhiên, để giảm ngay thì…“rất khó” vì DN vừa phát hành hóa đơn, in ấn vé xong...

Ông Bằng giải thích, sở dĩ DN vừa giảm giá cước và giảm ở mức chưa cao (8%) bởi lẽ từ năm 2011 đến nay giá xăng dầu tăng từ 16.000 lên đến 20.000 đồng thì đơn vị không tăng giá cước nên chỉ đến khi giá xăng dầu giảm hạ trần so với giá cước thì đơn vì mới làm thủ tục hạ giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đàm Văn – Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh có tuyến xe khách cố định chạy Vinh – Hà Nội cho hay, khi giá xăng dầu giảm đơn vị đã giảm giá cước 2 lần mỗi lần 10.000 đồng/ vé, mức giảm tương đương 8%.

Ông Văn cho hay, sở dĩ chỉ giảm ở mức 8% bởi đơn vị tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Thay vì giảm tiếp giá cước, đơn vị đã tiến hành nâng cao chất lược dịch vụ trên xe như: giặt chăn gối hàng ngày, wifi Internet phục vụ hành khách...  ”, ông Văn nói.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: Theo báo cáo mới nhất (ngày 23/1) của Sở Tài chính Hà Nội, đã có nhiều đơn vị vận tải giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, mức giảm chỉ từ 5 đến 10%, có một số ít DN vận tải giảm giá cước 15%.

Ông Liên đánh giá, giá xăng dầu chiếm 40 đến 45% chi phí của DN vận tải tuyến cố định và 30% đối với DN vận tải taxi. Do vậy, mức giảm của các DN vận tải hiện nay là chưa tương ứng với mức giảm giá xăng dầu.

Không chịu giảm giá cước sẽ xử phạt!

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, hiện vẫn còn 1 số đơn vị vận tải “chây ì” cố tình không chịu giảm giá cước theo giá xăng dầu, trong đó có 2 đơn vị: Taxi vina và Cty vận tải Thành Hưng (vận tải tuyến cố định) đã bị Sở lập biên bản xử phạt 30 triệu đồng vì không chịu giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu.

{keywords}
Một số doanh nghiệp vận tải vin vào nhiều lý do để chậm trễ giảm giá cước. 

“Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, khi đi kiểm tra còn nhiều đơn vị vận tải chưa chịu giảm giá cước, họ lấy lý do đã nộp đăng ký giảm cước lên Sở rồi. Tuy nhiên, Sở Tài chính khẳng định nếu phúc tra các đơn vị này không đúng như báo cáo sẽ bị xử phạt nghiêm” - ông Liên nhắc lại báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội.

Theo ông Liên, ngay trong chiều 23/1, Sở Tài chính và Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra giá cước với 2 hãng taxi lớn là taxi Group và Taxi Mai Linh. Đây là 2 đơn vị có giá cước cao nhưng lại giảm giá chậm, điều này khiến các đơn vị vận tải taxi khác nhìn vào và không chịu giảm giá cước theo.

Còn ông Vương Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, đối với các tuyến vận tải cố định trên địa bàn tỉnh, hiện nay Sở GTVT đang phối hợp với Sở Tài chính cho kê khai lại giá.

Tuy nhiên, qua báo cáo, nhiều đơn vị vận tải cho rằng, trước đây xăng dầu tăng, DN không tăng giá cước nên chỉ đến tháng 9/2014 khi giá xăng tiếp tục giảm cân bằng với giá cước thì các đơn vị mới hạ giá cước theo. Mức giảm chỉ từ 5-10%.

Ông Tuấn cho hay, hiện Sở GTVT Thanh Hóa đang phối hợp cùng với Sở Tài chính kiểm tra các DN vận tải tuyến cố định. Nếu đơn vị nào giảm giá cước chưa hợp lý sẽ yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp. Nếu cố tình không giảm sẽ tiến hành xử phạt theo quy định. 

Giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên Đán 2015

Tại cuộc họp Tổng kết ngành GTVT 2014 và triển khai kế hoạch 2015 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu trong năm 2015, ngành GTVT phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải, nhất định phải thực hiện theo đúng cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

“Chúng ta không thể để cước phí vận tải lộn xộn như hiện nay. Đây là điều không thể chấp nhận được. Bộ GTVT sẽ chủ động làm việc với Bộ Tài chính, chủ động chỉ đạo các Sở Tài chính và Sở GTVT địa phương để kiểm soát bằng được giá cước vận tải”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu. 

Còn tại cuộc Họp liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan đưa ra biện pháp chỉ đạo giảm giá vận tải.

Thủ tướng nhấn mạnh: phải  giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Vũ Điệp