Là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông lâm ngư nghiệp nhưng Quảng Ninh vẫn quyết tâm tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân.

Tăng trưởng nông nghiệp bình quân 7.6%/năm

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh: Những năm gần đây kinh tế nông nghiệp của tỉnh luôn phát triển ở mức cao và tương đối ổn định. Tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 7,6%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) từ 61,3% năm 2010 xuống còn 42,23% năm 2013.

Trên địa bàn Quảng Ninh đã hình thành các vùng nuôi tập trung như nuôi nhuyễn thể tại Vân Đôn với quy mô gần 1.550ha, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại Móng Cái (992ha), TX Quảng Yên (735ha), vùng nuôi cá biển tại huyện Vân Đồn, Đầm Hà, vùng nuôi nước ngọt tại huyện Đông Triều (832ha), nuôi trai lấy ngọc trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (200ha)…

Hiện nay, mức cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 62%... Điều đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đưa thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 16,5 triệu đồng năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo khu vực này chỉ còn 2,42%.

{keywords}

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm và chưa bền vững, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hoá chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường...

Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, sản phẩm hàng hoá chưa nhiều, năng suất, chất lượng, diện tích đất trồng lúa, trồng rừng nguyên liệu kém hiệu quả còn khá lớn. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, ngành nghề, dịch vụ thương mại nông thôn phát triển chậm; sản phẩm của hộ nông dân, hợp tác xã chủ yếu ở dạng thô, sơ chế, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá trị gia tăng thấp; động lực thị trường chưa rõ nét cho phát triển sản xuất trên nhiều sản phẩm…

Chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn thấp; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là giao thông và thuỷ lợi ở các vùng nguyên liệu…

Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần điều chỉnh toàn diện về cơ cấu phát triển, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh và khu vực

Tái cơ cấu theo hướng bền vững

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh vừa lấy ý kiến góp ý cho Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo như nội dung Đề án, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt từ 5-8%/năm; giá trị sản phẩm bình quân 1ha diện tích đất canh tác đạt trên 150 triệu đồng/năm; tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 3-4% trong cơ cấu GDP; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 2,7 lần so với hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,4%...

Trên cơ sở đó, Đề án đã đưa ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào 5 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thuỷ lợi; công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.  

Cụ thể sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của tỉnh gắn với khai thác lợi thế so sánh theo từng địa phương và vùng sinh thái. Ưu tiên phát triển hình thức tổ chức sản xuất tập trung, đa dạng hoá các loại hình liên kết, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng. Gắn kết chặt chẽ sản xuất với các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản, các doanh nghiệp lớn, với thị trường. Hình thành vai trò chủ đạo của từng doanh nghiệp đối với từng sản phẩm bảo đảm hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất - chế biến đến tiêu thụ.

Hạ Nguyên (tổng hợp)