- Sáng nay (17/12), tại TP.HCM, Cục Báo chí, cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm: Trách nhiệm xã hội của báo chí và doanh nghiệp đối với cộng đồng và bảo vệ môi trường (CSR).

Tin bài khác:

Đến dự có ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM, bà Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng hàng trăm đại biểu các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng ô nhiễm môi trường do tác động sản xuất kinh từ một số doanh nghiệp chưa ý thức bảo vệ môi trường. Nguyên nhân do trách nhiệm xã hội của nhiều chủ doanh nghiệp còn thấp, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến môi trường, cơ sở hạ tầng kém…

{keywords}
Ông Đào Văn Lừng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Các kiến nghị về giải pháp cải thiện môi trường bên cạnh việc điều chỉnh, bổ sung những chủ trương vĩ mô, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường cần trú trọng vào vai trò tương tác của truyền thông, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, phát triển kinh doanh đi đôi với đổi mới bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam đã có cam kết CSR trong việc thúc đẩy quyền lợi của người lao động tại nơi làm việc, cải thiện hoạt động môi trường và kinh doanh… Thực tế hoạt động CSR của các công ty đa quốc gia hữu ích cho Việt Nam có hai mặt cần quan tâm: trực tiếp cho cộng đồng, xã hội; tạo lập phong trào chung cho các doanh nghiệp khác cùng chung tay góp sức cho hoạt động này.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường…

Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp vi phạm chế độ tiền lương, bảo hiểm… gây bức xúc trong xã hội. CSR phải được đặt ngang hàng với các yếu tố khác trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như chất lượng, giá thành, tiền lương, khách hàng… CSR vừa là đạo đức kinh doanh vừa là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phát triển bền vững.

CSR là một trong ba trụ cột cho phát triển bền vững. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải thực hiện cả 3 mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường.

Ông Đào Văn Lừng - Trưởng cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM chia sẻ, trách nhiệm xã hội của báo chí là tuyên truyền, làm tròn trách nhiệm phản ánh trung thực những vấn đề doanh nghiệp làm được và những vấn đề còn tồn tại của doanh nghiệp. Nếu báo chí thông tin không đúng thì có thể doanh nghiệp sẽ chết, nông dân cũng gặp khó khăn…

Doanh nghiệp kinh doanh phải tạo lợi nhuận, nhưng lợi nhuận trên cơ sở thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ cộng đồng, xã hội…

"Doanh nghiệp phải kinh doanh trên cơ sở đạo đức đó mới là nền tảng, doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững nếu biết gắn với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nguyên nhân tại sao môi trường bị hủy hoại, quyền lợi người lao động bị xâm hại là do doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Ý thức của doanh nghiệp về môi trường chưa tốt, đạo đức xã hội của ta chưa đủ mạnh, ở những nước phát triển nếu doanh nghiệp làm không tốt họ tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp đó" - ông Lừng nói.

Đức Toàn