- Sau lần phẫu thuật, mắt phải của bệnh nhân không sáng hơn mà có nguy cơ bị hỏng vì biến chứng. Sau 2 phiên tòa, ông được bệnh viện thương lượng bồi thường.

Ngày 18/11, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Hữu Thông (còn gọi là Huynh Tom Vu, Việt kiều Mỹ) và bị đơn là Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (quận 1, TP.HCM).

Suýt mù, đệ đơn kiện

Theo nội dung vụ kiện, ngày 5/6/2009, ông Nguyễn Hữu Thông nhập viện điều trị mắt tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Theo chẩn đoán của bệnh viện này, mắt phải của ông Thông bị đục thủy tinh thể và phải mổ theo phương pháp Phaco, do bác sĩ Thái Thành Nam và bác sĩ Trần Phạm Duy phẫu thuật. Ngay trong ngày, ông Thông được xuất viện và hẹn một tuần sau tái khám với số tiền chi phí là 7,9 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi điều trị, ông Thông thấy có biểu hiện bất thường ở mắt phải nên đến Bệnh viện mắt TP.HCM khám. Kết quả chẩn đoán mắt phải ông bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc, sẽ mù vĩnh viễn nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời. Quá sợ hãi, ông Thông trở về Mỹ đến điều trị ở bệnh viện San Francisco General với chi phí hết 46.700 USD.

Sau thời gian điều trị, ông Thông về lại Việt Nam và kiện bệnh viện mắt ra tòa đòi bồi thường hơn 85.000 USD bao gồm chi phí điều trị, mất thu nhập, chi phí đi lại...Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thông giữ ngyên yêu cầu khởi kiện. Về phần mình, đại diện Bệnh viện Mắt Sài Gòn phủ nhận trách nhiệm của bệnh viện vì cho rằng sau khi phẫu thuật ông Thông đã tự ý về Mỹ, tự ý đến điều trị tại các bệnh viện khác. Do vậy, bệnh viện không đồng ý bồi thường vì cho rằng mình không có lỗi.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định do sau khi tái khám ông Thông tự ý bỏ về Mỹ nhưng không có thỏa thuận gì với bệnh viện. Ông khai sau khi về Mỹ giữa ông và các bác sĩ có trao đổi và hứa hẹn qua điện thoại rằng cứ điều trị đi sau đó bệnh viện sẽ thanh toán lại nhưng tại tòa phía bị đơn phủ nhận lời khai trên.

{keywords}
Nguyên đơn sau phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, trong biến chứng y khoa có nhiều nguyên nhân như do cơ địa, hạn chế tay nghề, sai sót y khoa, điều trị không đúng...Do đó, không đủ cơ sở kết luận nguyên nhân dẫn đến phù và loạn dưỡng giác mạc của ông là do bác sĩ mổ. Từ đó, Tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bệnh viện có lỗi

Bức xúc với phán quyết trên, sau phiên tòa phía nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, dù được tòa triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng bác sĩ Thái Thành Nam vẫn không có mặt.

Ngay sau phần công bố bản án sơ thẩm, HĐXX đã mời đại diện Hội đồng giám định thuộc Viện pháp y quốc gia (Phân viện tại TP.HCM), giám định viên cho biết qua hồ sơ bệnh án cho thấy bệnh viện đã có một phần lỗi.

Cụ thể, trước khi cho bệnh nhân ra viện, Bệnh viện không khám lại sau mổ và không kiểm tra thị lực nhãn áp mắt mà chỉ ghi tình trạng ổn định, đánh giá tình trạng người bệnh ra viện: không ghi rõ tình trạng nhãn áp mắt bao nhiêu cũng như các thông tin khác. Bệnh viện không theo dõi bệnh nhân sau mổ theo đúng các nội dung quy định trong quy trình phẫu thuật Phaco do chính Bệnh viện Mắt Sài Gòn ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/10/2005.

Ngay sau khi giám định viên trình bày, đại diện phía bị đơn đã “phản pháo” lại. Đại diện Bệnh viện Mắt cho rằng chỉ có thể đo nhãn áp cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật còn sau khi phẫu thuật mắt nạn nhân đang đau nên “không thể vạch lên mà đo được”.

Trước câu trả lời trên, tòa hỏi phía bệnh viện: “vậy theo nguyên tắc sau khi phẫu thuật mặt bằng phương pháp trên, bệnh viện phải lưu bệnh bao lâu để theo dõi?” – “Sau 2 tiếng là bệnh nhân có thể về được”. “Chỉ cần sau 2 tiếng là bệnh nhân có thể về được vậy tại sao chính bệnh viện lại cho rằng do mới phẫu thuật nên không thể đo nhãn áp, không thể kiểm tra thị lực cho bệnh nhân được? Nếu vậy thì đã được để bệnh nhân về chưa? Bị đơn có thấy chính phía bị đơn có mâu thuẫn không?”.

Chủ tọa phân tích bệnh nhân phẫu thuật với hi vọng bảo vệ mắt, bảo vệ sức khỏe. Khi xảy ra biến chứng xấu như vậy, có nguy cơ bị mù sao bệnh nhân có thể tin tưởng mà quay lại bệnh viện để điều trị được? Kết quả giám định kết luận bệnh viện có sai sót. Bệnh viện không thể lấy lý do vì bệnh nhân bỏ đi nơi khác điều trị để phủ nhận trách nhiệm của mình? Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân bị mù vĩnh viễn thì sao?

Được tòa hòa giải, phía nguyên đơn chấp nhận hạ yêu cầu bồi thường xuống còn hơn 46.700 USD (tiền chi phí điều trị tại Mỹ). Sau đó, hai bên đã xin HĐXX cho hoãn phiên tòa để cùng nhau thương lượng việc bồi thường.

Mai Phượng