- Tuyến tỉnh lộ 4 huyết mạch dài trên 100km, mới đưa vào sử dụng được 2 năm nhưng xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng. Toàn tuyến bị cày nát, xuất hiện hàng nghìn ổ voi, ổ trâu, nhiều đoạn đường biến thành sông, thành hồ…

Rầm rập xe quá tải...

Quanh vụ việc Trạm cân số 56 (đặt trên tỉnh lộ 4, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) liên tục xảy ra tiêu cực, ít nhất một Phó Chánh thanh tra, trạm trưởng trạm cân bị Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố về tội nhận hối lộ.

Nhằm “tận mục” tuyến tỉnh lộ có Thanh tra giao thông (TTGT) “ăn tiền”, PV VietNamNet đã có chuyến khảo sát toàn tuyến tỉnh lộ này.

{keywords}

Hai camera quan sát tại trạm cân được bố trí cách nhau khoảng 3m

{keywords}

Trạm cân số 56, nơi liên tiếp có TTGT tiêu cực

Ngày 18/10, PV VietNamNet vượt khoảng 30km từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa thì “giáp mặt” Trạm cân số 56 đặt tại xã Quảng Sơn. Hơn 14 giờ chiều, trời đổ mưa, trạm cân vắng lặng, không thấy lực lượng TTGT trực.

Tiến vào lán tạm, chứng kiến TTGT đang nằm ngủ trên võng. Chúng tôi liên hệ làm việc thì được đội trưởng đội TTGT tên Dũng cho biết, hôm nay trời mưa, không có xe qua lại, anh em trạm tranh thủ nghỉ trưa.

Ngồi chờ chừng 15 phút, chứng kiến có xe tải chở gạch chạy qua, TTGT yêu cầu xe vào trạm cân tải trọng, xe vượt tải 11%.

Tài xế xe và TTGT giải thích, hôm nay trời mưa có thể gạch ngấm nước nên quá tải. Chiếc xe chở gạch bị lập biên bản xử lý vi phạm quá tải, mức xử phạt 2,5 triệu đồng....Ngồi chờ thêm vài phút, tiếp tục có thêm xe tải chở vật liệu xây dựng bị vẫy vào cân tải trọng.

{keywords}

Biển báo quy định tải trọng đường không ngăn được xe hổ vồ chở vật liệu băm nát đường.


Quan sát trạm cân, có 2 camera được lắp trên cọc cao khoảng 2,5m - 3m đặt cách nhau khoảng 3m. Chiếc camera phía trước dùng để kiểm soát xe vào cân tải, camera phía sau dùng để quan sát toàn cảnh.

Bằng mắt thường, có thể thấy camera toàn cảnh được lắp khá thấp, chỉ cần một xe tải dựng chắn phía trước thì có thể vô hiệu hóa việc quan sát. 

Thấy PV để ý chụp hình, một TTGT nhắc tài xế di chuyển xe vượt lên tránh camera theo dõi và lầm bầm nói: “dựng xe thế này, PV lại chụp hình đưa tin TTGT điều khiển xe chắn camera thì chết!”.

TTGT tại trạm cân 56 cho biết, các xe quá tải qua tuyến đường này đều rất tự giác, đến nơi tài xế tự động dừng xe vào trình giấy tờ, dù cán bộ trạm cân không yêu cầu dừng xe.

Ông Dũng (Đội trưởng) cho biết, trung bình một ngày trạm cân cân và xử lý khoảng 10 – 15 xe quá tải lưu thông qua trạm cân 56.

{keywords}

Ao giữa tỉnh lộ, đoạn qua thị trấn Krông Nô

{keywords}

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, tỉnh lộ biến thành đường đất đỏ

Rời trạm cân, PV tiếp tục thị sát tuyến đường và ghi nhận hàng chục “xe hổ vồ” chở vật liệu xây dựng băng băng về phía trạm cân.

PV đặt câu hỏi, với một tuyến tỉnh lộ huyết mạch, nối liền các huyện chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, mỗi ngày trạm cân chỉ xử lý được 10-15 xe chở quá tải liệu có quá ít (!?)

Tỉnh lộ tan nát sau 2 năm sử dụng

Một báo cáo của Sở GTVT Đắk Nông gửi Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh này cho biết, tuyến tỉnh lộ 4 xây dựng bằng nguồn vốn của Bộ GTVT, tổng vốn khoảng 135 tỷ đồng.

Tuyến đường khởi công năm 2008, chia thành nhiều gói, thi công theo nhiều giai đoạn và cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2012.

{keywords}

Xe hổ vồ chạy rầm rập trên khu vực đèo 52

{keywords}
Xe quá tải biến đường thành ruộng. 

Qua khảo sát, PV VietNamNet ghi nhận, trên toàn tuyến tỉnh lộ 4 dài trên 100km này, có hàng trăm đoạn bị băm nát, xuất hiện hàng nghìn ổ voi, ổ trâu trên đường, có những ổ voi nước đọng lại sau mưa giống như những hồ nước ngay trên đường.

Đoạn hư hỏng nặng nhất bắt đầu từ khu vực đèo 52 (xã Quảng Sơn) đến xã Quảng Phú (huyện Đắk G’long. Tại đèo 52, nhiều đoạn lớp nhựa và nền đường bị bong tróc hoàn toàn, thậm chí bị nước mưa xói ăn sâu ra giữa tim đường, lòng đường bị thu hẹp trầm trọng.

Tiếp đó, đoạn từ xã Quảng Phú chạy dài về trung tâm huyện Krông Nô (vùng chuyên cung cấp vật liệu xây dựng) do lượng xe tải chở vật liệu lưu thông quá lớn, nền đường làm dối nên mặt đường bị cày nát, xuất hiện ổ voi, ổ trâu dày đặc và biến thành hồ nước mỗi khi có mưa xuống khiến cho việc đi lại của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Về nguyên nhân xuống cấp của tuyến đường, Sở GTVT Đắk Nông có một báo cáo dài gửi Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh lý giải rằng: do cơ chế quản lý nhiều tầng, nấc, quy định trách nhiệm chưa rõ ràng giữa các đơn vị, dẫn đến việc quản lý vận hành dự án chưa chặt chẽ, chồng chéo; ban quản lý dự án, đại diện cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát ở xa, chưa sâu sát với công trình, dẫn đến chất lượng quản lý công trình chưa đạt hiệu quả cao.

{keywords}

Người đi đường buộc phải đi xuống các ao trên đường vì tỉnh lộ không còn chỗ nào nguyên vẹn.

{keywords}

Xe quá tải rầm rập chen nhau băm nát tỉnh lộ 4, đoạn qua xã Quảng Phú

Công tác quản lý công trình thiếu chặt chẽ, bất cập, chất lượng giám sát thấp, công trình sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng nhiều đoạn. Sở GTVT cũng đổ lỗi, do hạn chế về kinh phí, và thiết kế công trình theo yêu cầu của nhà tài trợ nên kết cấu móng, mặt đường có sức chịu tải thấp, tương đương với đường giao thông nông thôn....

Bên cạnh đó nền địa chất khu vực tuyến phức tạp, nền đất sét, chế độ thủy nhiệt của nền bất lợi, nên nền đường một số đoạn hay ngập nước, địa hình tuyến chia cắt mạnh và có lượng xe có tải trọng lớn (chủ yếu là xe chở vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá…) lưu thông nhiều khiến đường xuống cấp nhanh chóng.

Một tuyến tỉnh lộ huyết mạch, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và mới chỉ đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp trầm trọng. Liệu cách giải thích trên của Sở GTVT Đắk Nông đã hợp lý (?) 

Trùng Dương