- Người nhà nạn nhân Mẫn cho rằng, cuộc sống Mẫn rất đủ điều kiện, không có lý do gì để nhận hối lộ, tính chất vụ việc cũng chưa đến mức để Mẫn phải tự tử. Phía cơ quan công an giải thích, người tốt mà ở lâu trong môi trường xấu thì… nhiễm xấu là điều dễ hiểu !

Trở lại hiện trường vụ nhảy lầu

Sau cái chết của ông Nguyễn Tấn Mẫn (Đội trưởng Đội thanh tra), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông kết luận nguyên nhân là do ông này nhảy lầu tự tử, tuy nhiên phía gia đình nạn nhân lại cho rằng ông Mẫn chết 'có gì đó' …bất thường. Điều này đã gây nên những dư luận trái chiều.

{keywords}
Vị trí nạn nhân Mẫn nhảy xuống (vòng tròn) sân cao hơn 9m

Theo kết luận điều tra, vào 10 giờ, sáng ngày 9/10, ông Mẫn được triệu tập đến cơ quan điều tra để làm việc. Trưa cùng ngày ông Mẫn không về nhà mà ở lại ăn cơm cùng cán bộ điều tra. 14 giờ, ông Mẫn khai nhận hành vi phạm tội và tiếp tục ở lại phòng làm việc của Cơ quan CSĐT.

Đến khoảng 17 giờ, ông Mẫn xin đi vệ sinh, sau đó cán bộ điều tra phát hiện nạn nhân nằm thoi thóp dưới sân trụ sở làm việc. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Bước đầu, Cơ quan CSĐT xác định ông Mẫn nhảy lầu tự tử.

Phía gia đình, sau khi biết tin ông Mẫn tử vong đã có những phản ứng. Ông P.M.T. (chú của nạn nhân Mẫn) cho biết, nhà nạn nhân Mẫn rất có điều kiện, đời sống vật chất đầy đủ, không có lý do gì để phải nhận hối lộ.

Cũng theo ông T., nạn nhân Mẫn là một người rất bình tĩnh, luôn suy nghĩ chín chắn và rất lạc quan, với mức độ vụ việc như không đủ để Mẫn nhảy lầu tự tử.

Ông P.M.T. đặt nghi vấn: "Tôi là người có mặt tại hiện trường, chứng kiến xác Mẫn nằm song song với tường trụ sở, thi thể nằm sấp và cách chân tường khoảng 4-5m. Một người bình thường, không thể nhảy xa như vậy và tư thế rơi xuống cũng khác thường với một vụ nhảy lầu tự tử. Rất có thể Mẫn bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra dẫn đến tử vong, sau đó bị ném xác xuống để tạo hiện trường".

Để giải mã những nghi vấn của dư luận, PV VietNamNet đã quay lại trụ sở Công an tỉnh Đắk Nông, tận mắt chứng kiến hiện trường vụ án. Đích thân Đại tá Lương Ngọc Lếp - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh dẫn PV đi xem hiện trường.

Tại sân gạch, những vệt máu được cho là của nạn nhân sau khi rơi xuống vẫn còn nguyên và đã khô bám vào gạch. Vị trí được cho là nạn nhân nhảy xuống là ở lầu 2 (tầng 3) có chiều cao khoảng 9m.

Khi nhảy xuống tự tử, nạn nhân Mẫn còn bỏ lại đôi giày ngoài hành lang lầu 2. Theo Đại tá Lếp, qua các dấu vết để lại tại hiện trường, xác định nạn nhân đã lao đầu từ lầu 2 xuống để tự tử (không leo lên bờ tường lan can, cao khoảng 1m - PV) và qua các phân tích kỹ thuật hình sự, hiện trường xác nạn nhân nằm như vậy là phù hợp.

{keywords}
Hiện trường vết máu nơi nạn nhân Mẫn rơi xuống nghi nhảy tự tử
 
Về việc thắc mắc của gia đình, rằng động cơ nhận hối lộ và tự tử của Mẫn là khó tin, Đại tá Lếp chia sẻ, việc một con người tốt mà ở lâu trong môi trường xấu, lâu ngày họ sẽ bị… nhiễm xấu!

Với các bằng chứng là hóa đơn, phiếu chi của doanh nghiệp vận tải chuyển vào tài khoản các nghi can với nội dung 'Thanh toán tiền luật trên đường', đó là bằng chứng không thể ngụy tạo được. Về động cơ mà Mẫn tìm đến cái chết, theo Đại tá Lếp, hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Đại tá Lếp cũng tiết lộ, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, nạn nhân Mẫn nhận được một cuộc điện thoại và có trả lời 'Dạ! Em đang làm việc chưa xong'. Sau đó, Mẫn để điện thoại tại bàn làm việc, đến khoảng 17 giờ thì xin đi vệ sinh và sau đó thì nhảy lầu tự tử.

Về danh tính của người gọi điện thoại đến, Đại tá Lếp cho biết đã xác minh và biết được đó là một lãnh đạo của TTGT. Tuy nhiên, nội dung cuộc nói chuyện, Đại tá Lếp chưa tiết lộ.

Chết tại bệnh viện hay ngoại viện?

Gia đình nạn nhân Mẫn cho rằng, nạn nhân chết trước khi tới bệnh viện, tuy nhiên, trong kết luận ban đầu của Cơ quan CSĐT khẳng định nạn nhân chết khi được cấp cứu tại bệnh viện.

Trao đổi về thắc mắc này của gia đình nạn nhân, Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng - Phó Phòng CSĐT PC46, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho biết, khi nghe tin Mẫn nhảy lầu tự tử, đích thân ông đã dùng xe ô tô chở nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông.

"Khi chở Mẫn trên xe, tôi nghe Mẫn rên, thở. Tôi còn lệnh cho cấp dưới kiểm tra, đỡ đầu nạn nhân cho dễ thở. Lúc nhập viện, tôi thấy các bác sĩ còn chụp bình ôxy, ép lồng ngực cho nạn nhân mấy phút. Tôi khẳng định nạn nhân còn sống khi đưa vào bệnh viện" -  ông Dũng nói.

Làm việc với bác sĩ Trần Duy Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, ông cho biết, Khoa Khám cấp cứu lưu của bệnh viện tiếp nhận nạn nhân vào khoảng 17 giờ 15 phút ngày 9/10.

Khi nhập viện, các bác sĩ tại đây khám kiểm tra, nhận thấy nạn nhân bị đa thương ngoại viện, gãy xương đùi trái, gãy xương cẳng hai tay, chảy máu mũi, tai, bàn chân phải bị biến dạng, khuỷu tay.

Đo thì huyết áp bằng không, mạch bằng không, các bác sĩ kết luận nạn nhân đã tử vong do đa thương ngoại viện.

"Việc sơ cấp cứu, ép tim, thở ôxy đó là trách nhiệm bác sĩ phải làm theo đạo đức. Dù nạn nhân đã chết, việc ép tim, kích xung điện tim, cho thở ôxy là nhằm tìm một hi vọng mong manh, dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, đó cũng là một cách để làm tâm lý với gia đình nạn nhân, giúp họ bớt bị sốc" - ông Dũng chia sẻ.

{keywords}
Cơ quan chức năng và người nhà chứng kiến việc khám nghiệm tử thi nạn nhân Mẫn

Cũng theo ông Dũng, bệnh viện đã làm đúng quy trình, quy chế và đạo đức. Ngày 14/10, khi gia đình đến xin giấy chứng tử, bệnh viện đã cấp giấy và ghi đúng sự thật là nạn nhân Mẫn tử vong ngoại viện.

Nguyên nhân chết của nạn nhân Mẫn vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông điều tra.

Tuy nhiên, việc nạn nhân Mẫn chết tại bệnh viện hay ngoại viện thì vẫn đang có sự mâu thuẫn. Điều này đã tạo nên những nghi vấn, đồn đoán trái chiều và rất cần các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trùng Dương