Tòa yêu cầu trưng cầu giám định để làm rõ cơ chế hình thành vết thương dẫn đến cái chết của nạn nhân.

TAND tỉnh Bình Phước vừa xử sơ thẩm lần hai, tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Phạm Duy Lăng bị truy tố về tội giết người. Theo đó, tòa yêu cầu trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng như làm rõ việc có bỏ lọt đồng phạm tội gây rối trật tự công cộng hay không.

Vụ án này trước đó cấp phúc thẩm từng hủy án để điều tra lại do chưa có cơ sở vững chắc để buộc tội bị cáo Lăng.

Kiến nghị tòa trên hủy án của mình

Theo hồ sơ, tháng 3/2009, khi tham dự đám cưới, nhóm bạn của Lăng bị một nhóm khác đánh. Lăng cũng bị một người dùng cục đá đập vào đuôi mắt phải. Lăng nói: “Đánh chết mẹ quân Thống Nhất” và vào nhà người dân tìm hung khí.

{keywords}

Bị cáo Phạm Duy Lăng (thứ hai từ phải qua). 

Nghe tin người nhà bị đánh, Lương Văn Khu chạy ra thấy Thức đang đứng gần đó liền đấm vào vai khiến Thức lảo đảo, Khu đá tiếp vào chân làm Thức ngã xuống đường và tiếp tục đá hai cái vào mông.

Lăng cầm chày inox (dài 20 cm, dùng để giã gia vị) chạy ra đường. Thấy Thức đang chống tay đứng dậy, Lăng cầm chày đánh Thức nhiều cái vào đầu khiến Thức bị tử vong vài ngày sau đó.

Kết luận giám định nói nạn nhân bị tác động của vật tày phẳng, tác động mạnh vào vùng đầu chấn thương sọ não, xuất huyết nội sọ, dập tổ chức não, hôn mê sâu không phục hồi dẫn đến tử vong.

Xử sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bình Phước đã nhận định: Quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra (CQĐT) còn sai sót khi lấy lời khai của người chưa thành niên mà không có người giám hộ, lời khai của người làm chứng có mâu thuẫn và có sự thay đổi lời khai nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Mặc dù tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng vẫn chưa làm rõ trong vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm về tội giết người và tội gây rối trật tự công cộng. Tòa này tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Lăng 16 năm tù về tội giết người. Tuy nhiên, tòa kiến nghị tòa trên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bị cáo Lăng cũng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phải là người giết Thức vì cái chày đã bị Cường (nhân chứng) giật mất rồi thì lấy gì đánh Thức.

Tháng 9/2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng và đồng phạm về tội giết người.

Theo tòa này, lời khai của bị cáo Lăng tại CQĐT và tại hai phiên tòa có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất nhau; lời khai của nhân chứng không xác định được Lăng bị giằng lấy chày trước hay sau khi đánh nạn nhân.

Ngoài ra, trong lúc đánh nhau Khu đá nạn nhân té xuống đường, tiếp đến Lăng cầm chày đánh nạn nhân gây tử vong. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Khu với cái chết của Thức và lời nói của Lăng “đánh chết mẹ quân Thống Nhất đi” có ảnh hưởng như thế nào đến hành động của Khu.

Chưa xác định vết thương do vật gì gây ra

Sau đó VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố thêm Lương Văn Khu và hai người nữa về tội gây rối trật tự công cộng.

Sau ba lần ra cáo trạng, ngày 8/8, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử vụ án. Tòa hẹn đến ngày 15/8 sẽ tuyên án. Đến ngày 15/8 thay vì tuyên án, tòa này đã hoãn xử để mời giám định viên.

Ngày 29/9, tòa tiếp tục phiên xử và quay lại phần xét hỏi. Tại tòa, giám định viên cho rằng chỉ nhận được quyết định trưng cầu giám định, ngoài ra không có tài liệu nào đi kèm nên không xác định được vết thương do vật gì gây ra dẫn đến cái chết của nạn nhân Thức (!).

Luật sư của Lăng yêu cầu tuyên Lăng không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng. Bởi đến nay CQĐT vẫn chưa thể kết luận được nguyên nhân nào gây nên chấn thương sọ não dẫn đến cái chết của nạn nhân; vẫn chưa rõ ai đã gây ra cái chết của người bị hại.

Cụ thể, CQĐT chưa điều tra đầy đủ như chưa cho nhận dạng, giám định pháp y chưa rõ ràng, CQĐT lấy lời khai của các nhân chứng chưa thành niên nhưng không có người giám hộ và lời khai của họ cũng bất nhất.

Theo luật sư, cáo trạng xác định Lăng dùng chày đánh vào đầu Thức, một cái vào thái dương trái, một cái trúng vùng chẩm phải.

Các lời khai của nhân chứng cho rằng Lăng cầm chày tay phải đứng phía trên đầu đánh từ trên xuống lúc nạn nhân đang ngồi dậy thì phải trúng vào trán hoặc đỉnh đầu chứ làm sao trúng ở thái dương trái và càng không thể trúng ở vùng chẩm phải.

Nếu dùng chày đánh từ trên xuống trúng vào thái dương trái thì không thể gây ra vết thương tụ máu dưới da có kích thước 8 x 4 cm, chiều rộng nhất từ trước ra sau 8 cm như kết luận giám định. Trong khi diện tích tiếp xúc của chày tối đa chỉ khoảng 2 cm.

Cuối cùng, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Vậy là sau ba phiên tòa, sau nhiều lần điều tra bổ sung, điều tra lại, nguyên nhân khiến nạn nhân chết vẫn còn là câu hỏi lớn.

Giám định còn thiếu sót

Ở các nước có nền tư pháp phát triển, những trường hợp tử vong trong các vụ án mạng có thể được lưu giữ thi thể khoảng ba tháng mới cho mai táng. Bởi trong quá trình điều tra tuy tìm thủ phạm có thể xuất hiện những tình tiết mới, qua đó người ta khám nghiệm lại tử thi để xác minh có đúng hay không.

Ở Việt Nam thì giám định xong là cho người nhà mang thi thể về mai táng, nhiều gia đình còn từ chối cho mổ tử thi. Trong khi đó, hồ sơ vụ án có thể chưa có lời khai của đối tượng bị tình nghi, nhân chứng và những người liên quan khác.

Vì vậy, sau này khi có lời khai hoặc có sự thay đổi lời khai thì không có tử thi để giám định lại nhằm xác minh tính xác thực của lời khai. Việc này gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án, có thể xuất hiện những tình tiết mới mà mình không biết. Như trong vụ án này chẳng hạn, nạn nhân đã chết mấy năm rồi, nếu có khai quật lại cũng khó có thể xác định được điều gì.

Nạn nhân chết thì vẫn còn trong bệnh viện nên thủ tục trước khi giám định cần phải có tối thiểu: Hồ sơ bệnh án và trưng cầu giám định. Mổ pháp y là phải hướng cho CQĐT biết vật gì gây ra thương tích, nguyên nhân dẫn đến cái chết. Một giám định gọi là hoàn chỉnh phải bao gồm khám ngoài (như áo quần...) rồi đến khám trong là phải mổ hết đầu, ngực, bụng…

Tôi thấy tiếc ở chỗ kết luận giám định trong vụ án này đã không thực hiện đầy đủ quy trình. Giám định viên chỉ phẫu thuật phần đầu, không mổ ngực và bụng tử thi nên không biết hết những tổn thương khác và không có xét nghiệm vi thể. Đó là một thiếu sót về mặt pháp lý. Có thể trong hồ sơ bệnh án có chụp phim nhưng về mặt pháp y, tất cả chấn thương, tổn thương phải được kiểm tra bằng giải phẫu tử thi.

Giám định viên Nguyễn Gió,

Trưởng phòng Giám định tổng hợp Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai


Theo Ngân Nga/Pháp luật TP.HCM