- Số người chết vì Ebola đang tiếp tục tăng mạnh, lên con số 4.542 người chết. Tại 3 nước Tây Phi: Guinea, Liberia, Sierra Leone 21 ngày qua số mắc và tử vong tăng gấp đôi so với trước đó.

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số mắc và tử vong do Ebola được ghi nhận tại 6 quốc gia châu Phi, xác định 3 trường hợp Ebola tại Mỹ và 1 trường hợp xác định Ebola tại Tây Ban Nha.

Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 16/10/2014, thế giới đã ghi nhận 9.066 trường hợp mắc, trong đó 4.542 trường hợp tử vong.

Báo cáo đã ghi nhận 435 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 244 trường hợp tử vong. Dịch bệnh do vi rút Ebola đã lây lan tới các quốc gia ngoài châu Phi là Mỹ và Tây Ban Nha.

{keywords}
Ebola vẫn tiếp tục lan rộng

Về trường hợp nhân viên y tế thứ 2 nhiễm Ebola tại Mỹ, WHO cho biết nhân viên y tế này đã được xét nghiệm xác định dương tính với vi rút Ebola. Nhân viên này là người đã chăm sóc cho bệnh nhân từ châu Phi tới Mỹ phát bệnh do vi rút Ebola và tử vong ngày 08/10/2014 vừa qua.

Vi rút Ebola lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể người bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật bị đã nhiễm trước đó như kim tiêm, vật dụng của người bệnh. Bệnh không lây truyền trước khi triệu chứng sốt khởi phát.

Nhiều người mắc bệnh than

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các tỉnh miền núi phía Bắc, Sở Y tế hà Nội, Thừa Thiên Huế , Quảng Trị đề nghị tăng cường phòng chống bệnh than.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang từ ngày 17/9/2014 đến ngày 09/10/2014 đã ghi nhận 09 trường hợp mắc bệnh than thể da tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, các bệnh nhân đều sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết, tại địa phương trên cũng đã xác định có bệnh nhiệt thán trên gia súc từ ngày 11/9/2014.

Trong những năm gần đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than.

Để chủ động và tăng cường phòng chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh than, lấy mẫu bệnh phẩm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tập trung vào các khu vực có ổ dịch đang hoạt động và nơi có ổ dịch cũ, triển khai kịp thời các biện pháp quản lý bệnh nhân và vệ sinh môi trường để xử lý triệt để ổ dịch, không để xảy ra tử vong và hạn chế lây lan.

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn than, thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết thịt động vật ăn cỏ, ở những công nhân chế biến da, lông thú; những nhân viên thú y...

Bệnh Than lây truyền qua da là do tiếp xúc với xác của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than, do hít phải bào tử vi khuẩn, ăn phải thịt động vật bị nhiễm khuẩn..

Khuyến cáo của Bộ Y tế là người dân không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh, khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y.


C.Quyên