"Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải bình thường, sắp tới chưa biết sẽ tới mức nào khi đất nước hội nhập sâu, mở cửa bầu trời để hàng không giá rẻ vào" - ông Lã Ngọc Khuê, chuyên gia phản biện độc lập dự án sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) báo động tại buổi thông tin về dự án trên do Bộ GTVT tổ chức ngày 16/10 tại TPHCM.

Theo ông Khuê, khi kinh tế phát triển hàng hóa không có cảng trung chuyển hàng không mà phải thông qua các nước khác thì giá thành xuất-nhập hàng hóa đều tăng.

{keywords}
Ông Lã Ngọc Khuê báo động về tình trạng quá tải ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lưu ý thông tin: nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trong điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực TP.HCM hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc.

Hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế (20 triệu người/năm), dự kiến năm 2014 là 22 triệu người/năm. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang được cải tạo mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm nhưng sau năm 2017 sẽ trở nên quá tải.

Trong khi đó việc mở rộng nâng công suất cảng hàng không này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 là không khả thi do phải di dời một lượng dân lớn, chồng lấn vùng trời với sân bay Biên Hòa, ô nhiễm tiếng ồn, khí thải...

"Sân bay Long Thành có diện tích đủ lớn (5.000 ha) là một sân bay trung chuyển, đã xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận, đảm bảo môi sinh, môi trường, không chồng lấn vùng trời..." - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh tính cấp thiết của dự án này.

Cụ thể, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN khẳng định, hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất "tắc nghẽn" ở vùng trời do giao thoa vùng trời với sân bay Biên Hòa.

Cùng chung ý kiến này, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia phản biện độc lập dự án nhìn nhận: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang tắc rồi, diện tích làm thủ tục còn không có... Phải có diện tích để mở rộng các dịch vụ, không thể để độc quyền dịch vụ khiến giá thành cao".

{keywords}
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã nhiều lần mở rộng, tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.  

Theo ông Nam, hiện nay các tập đoàn đầu tư hàng không đang xin đầu tư một phần vào các sân bay, trong khi dự án xây dựng sân bay Long Thành chúng ta đang làm khá chậm!

Về phía Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, đã khảo sát tình hình khu vực dự kiến xây sân bay Long Thành. Theo đó sẽ phải di dời 4.500 hộ dân vào hai khu tái định cư gần khu công nghiệp để bố trí việc làm.

Trong khi chờ đợi triển khai giai đoạn 2 và 3 có thể cho người dân trồng cây ngắn ngày để tránh lãng phí đất...

{keywords}
Đầu tư sân bay mới là nhu cầu cấp thiết trước tình trạng quá tải Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.   

Giải đáp thắc mắc về nguồn vốn đầu tư, đại diện Bộ GTVT cho biết: tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 (từ nay đến 2025) vào khoảng 165.000 tỉ đồng bao gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động ngoài ngân sách.

Trong đó, Nhà nước vay ODA gần 48.000 tỉ đồng, sau đó cho Tổng công ty hàng không VN vay lại và tự hoàn trả.

Theo quy hoạch sân bay Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm với 4 đường cất hạ cánh.

Nhất Phiến