- Sau khi bị TAND Hà Nội xử thua khách hàng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đệ đơn khởi kiện ngược lại khách hàng của mình là CTCP Trường Phú.

Có bỏ người liên quan ra ngoài vụ án?

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đệ đơn khởi kiện CTCP Trường Phú, đề nghị Tòa buộc Công ty này phải trả cho MB 35,6 tỷ đồng. TAND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã thụ lý đơn khởi kiện của MB.

TAND huyện Cẩm Giàng xác định, trong vụ án này, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Thanh Hải và bà Phạm Thị Thu Hà (bên thế chấp sổ đỏ với giá trị 5 tỷ đồng đảm bảo cho khoản vay của Công ty Trường Phú) hiện đang cư trú tại nước Mỹ.
{keywords}
 

Vì ông Hải, bà Hà đang cư trú tại Mỹ, vụ án có yếu tố nước ngoài, không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Cẩm Giàng nên Tòa cấp huyện đã chuyển vụ án lên TAND tỉnh Hải Dương.

Ngày 15/10, TAND tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng tín dụng ra xét xử sơ thẩm. Ông Lê Thanh Hải và bà Phạm Thị Thu Hà không được triệu tập đến tòa.

Phía MB giữ nguyên yêu cầu đề nghị Tòa án buộc Công ty Trường Phú phải trả cho MB 35,6 tỷ đồng và lãi tạm tính, lãi phạt quá hạn 17,25% và phát mại tài sản thế chấp...

Bên bị đơn cho rằng, ông Hải, bà Hà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và không có căn cứ để loại bỏ người có quyền và nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án, khi họ là người đưa tài sản vào bảo lãnh cho Cty Trường Phú thực hiện khoản vay tín dụng đối với MB theo hợp đồng tín dụng ký ngày 19/4/2012.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, việc không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào vụ án là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Ông Chi viện dẫn khoản 4, Điều 56- Bộ luật tố tụng dân sự nêu rõ: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Do đó, họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp, không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng.

Ngày 15/10, TAND tỉnh Hải Dương đưa ra phán xét: Do MB đã rút yêu cầu và không đề nghị xem xét đến tài sản của ông Hải, bà Hà nên hai người trên không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của MB, buộc Cty Trường Phú phải thanh toán nợ cho ngân hàng.

Trong khi đó, theo Cty Trường Phú, TAND tỉnh Hải Dương chưa lấy lời khai hay triệu tập ông Hải, bà Hà để làm rõ những vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp. Thậm chí có thể ông Hải và bà Hà không biết đến phiên tòa này.

Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, vậy nên họ sẽ kháng cáo.

Ngân hàng thua kiện

Trước khi diễn ra phiên tòa này, vào ngày 19/8, TAND Hà Nội đã tuyên buộc MB phải thanh toán 28 tỷ đồng theo hợp đồng bảo lãnh mua hàng cho Công ty Cổ phần Trường Phú.

Theo bản án, Công ty Cổ phần Trường Phú ký hợp đồng mua bán dây đồng với Công ty Cổ phần tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú (Công ty Thiên Phú).

Ngày 9/4/2012, MB chi nhánh Hoàn Kiếm phát hành hai bảo lãnh thanh toán đối với hợp đồng và các phụ lục của hợp đồng giữa hai công ty.

Sau khi hoàn tất việc giao hàng theo hợp đồng, Trường Phú yêu cầu Thiên Phú thanh toán tiền. Bên mua nhiều lần xác nhận nợ xong không thực hiện.

Cho rằng MB không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền theo bảo lãnh, Cty Trường Phú khởi kiện yêu cầu ngân hàng này thanh toán các khoản tiền gốc, lãi; tổng cộng gần 34 tỷ đồng.

Ngày 19/8, TAND TP Hà Nội chấp nhận việc Cty Trường Phú đồng ý rút lại khoản bồi thường thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, còn lại MB phải có nghĩa vụ thanh toán cho khách hàng này hơn 28 tỷ đồng.

T.Nhung