- Chỉ trong thời gian ngắn, doanh nhân Trần Thị Bạch Huệ đã khiến nhiều tổ chức ngân hàng, cá nhân phải ôm hận vì số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 1/10, sau 3 ngày xét xử phiên sơ thẩm, TAND TP.Cần Thơ đã tuyên án 6 bị cáo liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

{keywords}
Phiên tòa triệu tập 300 người có nghĩa vụ liên quan.

Từ ngày đầu xét xử, thư ký phiên tòa công bố danh sách gần 300 người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Tuy nhiên, tại phiên tòa chỉ có hơn 130 người có mặt.

Thư ký phiên tòa phải mất hơn 30 phút để công bố danh sách từng người bị hại và có nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ năm 2009 đến 2012, kẻ chủ mưu Trần Thị Bạch Huệ (SN 1978, quê Hậu Giang, thường gọi là Huệ taxi) là chủ doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thương mại và du lịch Thúy Nga đã gây ra tất cả 31 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngoài Huệ taxi, trợ thủ đắc lực là Trần Thị Kim Luyến (SN 1981, em gái Huệ) giúp chị gái mình thực hiện những hành vi phạm tội bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 bị cáo “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đều là cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á – Chi nhánh Cần Thơ (VAB – Cần Thơ).

Theo cáo trạng, vào khoảng tháng 8/2009, Huệ taxi làm ăn thua lỗ, lợi dụng mối quen biết với một số cán bộ VAB. Huệ đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng và cá nhân để trả nợ.

{keywords}

Chủ mưu Trần Thị Bạch Huệ (Huệ taxi) gây ra 31 vụ việc liên quan trước vành móng ngựa.

Để thực hiện hành vi, Huệ nhận chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) của nhiều người dân với số tiền rất ít. Sau đó, Huệ yêu cầu người dân phải ký hợp đồng chuyển nhưỡng QSDĐ cho người thân hoặc những người Huệ thuê đứng tên nhận chuyển nhượng rồi thế chấp Ngân hàng. Huệ cầm cố tiền lớn hơn rất nhiều nhằm mục đích của để chiếm đoạt tài sản và bỏ mặc hậu quả.

Cứ thế, hàng loạt người dính phải bẫy của hai chị em Huệ taxi. Chính sự quen biết của các cán bộ Ngân hàng kể trên, Huệ lại mượn lại hồ sơ thế chấp để tiếp tục làm hồ sơ chuyển nhượng, sang tên cho người khác.

Tuy nhiên, Huệ không thực hiện như lời hứa mà đem hồ sơ tiếp tục chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp cho các cá nhân và tổ chức tín dụng khác hoặc trả lại cho chủ cũ.

Tất cả có 31 vụ việc, Huệ taxi đã khiến các cán bộ VAB – Cần Thơ; Ngân hàng Phương Tây; Công ty Hoàng Kim và các cá nhân khác phải “ngã ngựa” với ổng số tiền gần 65 tỷ đồng và 600 chỉ vàng SJC.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Bạch Huệ án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức” cộng lại thành án chung thân và phải bồi thường dân sự 107 tỷ đồng và 849 chỉ vàng SJC; bị cáo Trần Thị Kim Luyến (em gái Huệ) bị tuyên phạt 7 năm tù; riêng các cán bộ Ngân hàng VAB – Cần Thơ từ cán bộ tín dụng đến giám đốc giao dịch phải lãnh mức án thấp nhất là 5 năm và cao nhất là 17 năm tù.

Chủ tòa phiên tòa cho biết, trong trường hợp bị cáo Huệ không có khả năng chi trả số tài sản trên thì bị cáo nguyên là cán bộ VAB – Cần Thơ phải liên đới chịu trách nhiệm.

Một điểm chú ý, tất cả những hợp đồng lấy bìa đỏ của hàng chục người dân liên quan đến việc Huệ làm giả mạo giấy tờ, chiếm đoạt tài sản từ ngân hàng đều bị tuyên án không có hiệu lực.

Quốc Huy