- "Thời gian tới Bộ GTVT và các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu để đưa ra các quy định cụ thể quản lý xe giường nằm, không thể để xe chạy trong tình trạng mất an toàn" - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Xe khách giường nằm có an toàn?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, qua vụ tai nạn xe khách giường nằm ở Lào Cai cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn nhận lại với loại phương tiện này. Đặc biệt cần phải có nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình rõ ràng để mục tiêu cuối cùng bảo đảm an toàn khi xe đi trên các luồng tuyến.

Theo ông Phạm Xuân Mai - Nguyên Trưởng khoa giao thông trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, yếu tố kỹ thuật của sự thăng bằng xe khách giường nằm so với xe khách thông thường không có nhiều khác biệt.

{keywords}
 
Tổng cục Đường bộ đang tiến hành rà soát để đưa ra quy định về những tuyến, đoạn tuyến xe khách giường nằm không được phép hoạt động. (Ảnh: Minh họa).
 

Ông Mai đưa ra nghiên cứu các vụ tai nạn xe khách giường nằm cho thấy, 30% tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, 70% do đồng bằng. Do vậy, tai nạn xe giường nằm cũng không phải do đường sá mà do quá trình điều khiển phương tiện.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phân ôtô Trường Hải (THACO) cho rằng, người dân có nhu cầu đi lại rất lớn với loại phương tiện xe giường nằm, do vậy để đảm bảo an toàn cần rà soát cả cung đường. Nếu chất lượng đường không đủ cho xe giường nằm thì đối với xe ghế ngồi cũng thế, phải chuyển sang dùng xe ngắn hơn vì xe 12m khi quay thì phải tránh những cung đường ngoắt ngoéo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng, về lý thuyết, trọng tâm xe khách giường nằm cao hơn xe ghế ngồi cùng chủng loại, vì vậy, việc xe khách mất ổn định hơn các xe khác trong cùng điều kiện khai thác là điều đương nhiên. Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật lái xe, làm chủ đoạn đường,... cũng cần phải tính tới.

Hiện Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm 2 tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động.

Nghiên cứu lộ trình “số phận” xe giường nằm

Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP vận tải ôtô Điện Biên cho biết, xe khách giường nằm có nhiều ưu việt, thuận tiện và được sự chấp thuận của đa số thị trường và người tiêu dùng, xe chạy đêm tiết kiệm thời gian nghỉ ngơi để ngày làm việc.

Do vậy, cấm xe giường nằm là tụt hậu, bởi ngoài tính tiện nghi với sức khỏe con người, nghiên cứu của Bộ GTVT cũng cho thấy không có liên quan đến vấn đề kỹ thuật xe giường nằm với tai nạn giao thông. Chưa kể, có sự kết hợp giữa vận tải hành khách với hành lý, hàng hóa rất hợp lý.

Theo ông Mạnh, hiện DN có 80 xe, mỗi xe đầu tư từ 3- 5 tỷ đồng chủ yếu là vốn vay, vốn huy động rất lớn chủ yếu là của dân, không có vốn Nhà nước. Nếu không đủ điều kiện chạy xe giường nằm thì nhất định phải chuyển qua loại hình khác, tuyến đường khác hoặc làm việc khác cho phù hợp. Do vậy, nếu có chuyển đổi cần phải có lộ trình, đi cùng siết chặt quản lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu theo hướng đề xuất với Bộ GTVT không cho phép xe giường nằm đi trên cấp đường thấp; hoặc những tuyến đường đã cải tạo nâng cấp nhưng có địa hình quanh co, đèo núi dốc, phải có biển hạn chế tốc độ với xe khách giường nằm.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thời gian tới, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu để đưa ra các quy định cụ thể, không thể ngay lập tức cấm, ngược lại cũng không thể để xe chạy trong tình trạng an toàn không cao.

Đặc biệt, phải đưa ra được quy hoạch luồng tuyến hợp lý, sau đó đánh giá mức độ an toàn thiết kế của xe, bố trí hàng hóa trên xe như thế nào để đảm bảo sự cân bằng không gây mất an toàn của xe.

Vũ Điệp