- Trong các ngày 17 và 18/9, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) và các cựu công an xã là Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) ra xét xử tội 'Giết người'.

Sau 2 ngày xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo: Kiên mức án 17 năm tù giam; Tuyên: 16 năm tù giam; Tuyến và Đức: 8 năm tù giam.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều nhận việc làm của mình là sai trái, bày tỏ sự hối hận, gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân và xin được nhận mức án nhẹ nhất.

Luật sư của các bị cáo cho rằng, thân chủ của mình chỉ phạm tội 'Cố ý gây thương tích' chứ không phải tội 'Giết người' như VKS đã truy tố và đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Theo quan điểm của VKS, vào thời điểm các cán bộ công an xã đánh đập ông Thuận thì ông Nguyễn Đức Vọng (SN 1954), Trưởng Công an xã Kim Nỗ không có mặt, không biết rõ và không được báo cáo.

Khi biết tin về tình trạng sức khỏe của ông Thuận, ông Vọng đã kiểm tra và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Vậy nên cơ quan điều tra không xử lý đối với ông Vọng về hành vi thiếu trách nhiệm là có cơ sở.

Trong khi đó, Luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại thì cho rằng, cần xem xét đến trách nhiệm của ông Vọng để tránh bỏ lọt tội phạm.

Bị công an xã dùng nhục hình

Theo cáo trạng, khoảng 12 giờ 30 ngày 30/8/2012, Ban Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (SN 1957, ở thôn Đoài, xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút (SN 1958) bị ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, ở cùng thôn) dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu.

Ông Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ đã cử ông Nguyễn Mậu Thành (SN 1970), Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980), là công an viên xuống địa bàn giải quyết.

Ông Tuyên gọi điện cho các công an viên là ông Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức đến nhà riêng mời ông Thuận về trụ sở công an xã để làm rõ vụ việc.

Khoảng gần 14h cùng ngày, anh Thành chở ông Thuận về đến trụ sở UBND xã. Tại đây, khi nhìn thấy ông Vọng, ông Thuận xuống xe chửi ông Vọng và định xông tới đánh.

Lúc này ông Vọng hô: “Khóa tay nó lại, đưa vào trong phòng kia”. Nhận lệnh, công an viên Nguyễn Trọng Kiên lấy khóa số 8 khóa tay ông Thuận.

Nhưng do ông Thuận giãy giụa nên phải 3 công an viên mới có thể khóa tay ông Thuận.

Ông Vọng đi vào phòng làm việc, chỉ đạo Kiên mở khóa tay để ông Thuận viết kiểm điểm rồi đi ra ngoài. Được mở khóa một bên tay, ông Thuận không viết kiểm điểm mà tiếp tục lớn tiếng chửi bới.

Khoảng hơn 14 giờ cùng ngày, Tuyên được ông Vọng giao trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an viên ghi lời khai, làm rõ việc ông Thuận đánh gây thương tích bà Bút.

Nhận nhiệm vụ từ cấp trên, Tuyên đi thẳng vào chỗ ông Thuận bị khóa ngồi trên ghế, bắt đầu lấy lời khai. Tuy nhiên ông Thuận không khai nhận và tiếp tục chửi bới, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Tuyên giơ tay tát ông Thuận 2 cái vào mặt. Tiếp đó, Nguyễn Trọng Kiên dùng dùi cui vụt mạnh vào đùi ông Thuận nhiều phát. Vừa vụt Kiên vừa hỏi ông Thuận: “Có đau không ?”.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, do ông Thuận không khai nhận và luôn chửi bới lăng mạ lực lượng công an xã nên Nguyễn Trọng Kiên đã dùng chuôi dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm nạn nhân ngã ngửa ra phía sau.

Ông Thuận được dựng dậy rồi bị các công an viên dùng dùi cui đánh đập, dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, ông Vọng nhận được điện thoại của Tuyên báo cáo việc ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang kiểm tra thì thấy ông Thuận bị khóa hai chân hai tay vào ghế.

Được mở khóa đưa lên giường nằm, lấy dầu xoa, rồi được cán bộ y tế xã đến cấp cứu, nhưng khi đó, người ông Thuận không còn hơi ấm, không đo được các chỉ số sinh tồn (không nghe được nhịp tim, không đo được huyết áp).

Nạn nhân được đưa đến bệnh viện Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong sau đó.

T.Nhung